13/10/2015 02:12

Mô hình tổ chức Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện:

Cơ sở pháp lý và thực tiễn

                                          Hoàng Thị Việt Phương

                                     Trưởng Ban Tổ chức- Kiểm tra TW Hội NCT Việt Nam

 

Tại Đại hội IV Hội NCT Việt Nam (tháng 11/2011), trước nguyện vọng về  việc được thành lập Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện của 345 đại biểu, đại diện cho 8,6 triệu NCT trong cả nước, Đại hội đã ra Nghị quyết kiến nghị Ban Bí thư cho phép các tỉnh, thành phố, các huyện, quận, thị trong cả nước được lập Hội NCT, trên cơ sở chuyển đổi Ban Đại diện thành Hội NCT theo Nghị định 45/2010/ NĐ- CP của Chính phủ. Đây là nguyện vọng chính đáng của NCT, của các cấp Hội trong cả nước trong nhiều năm qua. Việc chuyển đổi Ban Đại diện Hội NCT thành Hội NCT có cơ sở pháp lý và thực tiễn như sau:

 

Hội thảo "Tổ chức Hội NCT cấp tỉnh và cấp huyện: Thực trạng và kiến nghị"

diễn ra vào ngày 25/8/2015 (Ảnh: Lê Tuệ Minh)

 I. Cơ sở pháp lý:

-  Ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội (Quyết định số 523/Ttg) quy định  Hội NCT thành lập ở 2 cấp (Trung ương và cơ sở). Ngày 8/5/1999 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ có Công văn số 32/TCCP cho lập Ban Đại diện Hội NCT ở cấp tỉnh, cấp huyện để khắc phục khó khăn trong chỉ đạo công tác của Hội NCT từ Trung ương đến cơ sở. Ngày 13/6/2001 Ban Bí thư có Thông báo số 12/TB-TW ý kiến của Ban Bí thư về Đại hội II của Hội NCTVN trong đó có ý kiến về tổ chức Hội NCT ở cấp tỉnh và cấp huyện là Ban Đại diện, đặt tại cơ quan Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và do Đảng đoàn Mặt trận cấp đó chỉ đạo hoạt động. Ban Đại diện hoạt động chuyên trách (cấp huyện quận có từ 1-2 cán bộ, cấp tỉnh có 2-3 cán bộ) có con dấu riêng và được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

- Ngày 6/11/2012, Văn phòng Trung ương có Thông báo Công văn số 38-TB/VPTW về kết luận của Thường trực Ban Bí thư về tổ chức Hội NCT Việt Nam  cho phép thí điểm mô hình Hội NCT cáp tỉnh, cấp huyện ở 13 tỉnh, thành phố để rút kinh nghiệm sau đó sẽ quyết định cụ thể mô hình tổ chức của Hội.

- Nghị định 45/2010/ NĐ- CP của Chính phủ quy định:

Tại Điều 2  : “2. Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hộ).”

- Tại Điều 5 b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm mươi (50) công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

c) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện có ít nhất hai mươi (20) công dân, tổ chức trong huyện có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;”

Khoản 2, Điều 14 “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã”.

13 tỉnh/thành phố và 116 huyện quận, thị thành lập Hội NCT không phải vận động hội viên vào Hội để thành lập tổ chức mới mà trên cơ sở hội viên hiện có, chuyển đổi Ban Đại diện Hội NCT hiện có (với đầy đủ cán bộ,  kinh phí, con dấu, trụ sở, phương tiện làm việc) để thành lập Hội NCT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho phép thành lập theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP.

II. Cơ sở thực tiễn

 1. Vị trí, nhu cầu hoạt động của tổ chức Hội

- Qua  20 năm hoạt động, thực hiện Thông báo 12/TB-TW của Ban Bí thư,  và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Hội NCT Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về tổ chức. 100% cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp huyện đều có tổ chức Hội. Cấp cơ sở là Hội đã thực hiện theo đúng quy định của Điều lệ Hội NCT Việt Nam, làm tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT, là chỗ dựa  cho NCT trong việc giám sát thực hiện chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NCT. Ban Đại diện Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện đã làm tốt vai trò cầu nối hướng dẫn hoạt động công tác Hội từ Trung ương đến cơ sở. 

- Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh ở Việt Nam. Năm 1995 có 5,6 triệu NCT chiếm tỷ lệ 7,6% dân số, hiện nay có 9,4 NCT chiếm 10,45 % dân số, bình quân mỗi tỉnh/thành phố có bình quân 150 ngàn NCT (cao nhất Hà Nội có gần 800 ngàn NCT, TP Hồ Chí Minh gần 500 ngàn, Nghệ An trên 300 ngàn, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng trên 250 ngàn NCT…); ở cấp huyện bình quân cũng có 13- 20 ngàn hội viên (nơi cao như huyện Đông Anh, Hà Nội có 48 ngàn hội viên).

- Tuổi thọ tăng, nhu cầu của NCT cần được chăm sóc ngày càng nhiều hơn về vật chất và tinh thần, về các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT trong điều kiện mới càng tăng lên: giám sát thực hiện chính sách cho NCT, thăm ốm đau, chúc thọ, mừng thọ, tang lễ tổ chức các câu lạc bộ vui khỏe cho NCT … cần có chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên.

 - NCT ngày càng đông. 80% NCT tùy theo sức khỏe, điều kiện, khả năng …đóng góp với mức độ khác nhau tham gia hoạt động xã hội, kinh tế, văn hóa, NCKH, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở…. Các hoạt động an sinh xã hội , an ninh chính trị, các hoạt động lãnh đạo trong hệ thống chính trị ở khu dân cư, thôn xóm, ấp bản… hầu hết lại là NCT đảm nhận. Cấp ủy và chính quyền cơ sở đánh giá cao vai trò NCT trong giúp cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ an ninh, chính trị,  xã hội trên địa bàn

2. Mô hình Ban Đại diện Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện có nhiều hạn chế

Mô hình Ban Đại diện Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với giai đoạn trước đây, đến nay với yêu cầu, nhiệm vụ mới Ban Đại diện Hội NCT ở cấp tỉnh, cấp huyện có khó khăn sau đây:

+ Ban Đại diện Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện tính pháp lý không rõ ràng, hoạt động Ban Đại diện không rõ thuộc văn bản pháp quy nào của Nhà nước điều chỉnh. Hiện nay không tổ chức xã hội nào có Ban Đại diện Hội cấp tỉnh, cấp huyện như Hội NCT.

+ Ban Đại diện Hội NCT không phải là Hội nên một số địa phương không xem Ban Đại diện Hội NCT là đầu mối chỉ đạo như các Hội đặc thù khác cùng cấp của tỉnh, huyện. Chính sách cho cán bộ chuyên trách cấp huyện không có, làm việc còn theo cơ chế thỏa thuận. Có địa phương không công nhận Ban Đại diện Hội là Hội có tính chất đặc thù; mối quan hệ giữa các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đối với Ban Đại diện có nơi còn thiếu bình đẳng.

+ Cơ cấu Ban Đại diện Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện nhiều nơi trùng lắp với cơ cấu Ban công tác NCT.

+ Ban Đại diện Hội NCT không do cấp dưới bầu ra, không ra được Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nên chưa đảm bảo dân chủ, không đủ tính pháp lý để lãnh đạo cấp dưới thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ từ Trung ương.

3.  Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện được thí điểm có hiệu quả rõ:

13 tỉnh/thành phố (ĐắK Nông, Kiên Giang, Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương, Vĩnh Long, Lai Châu và Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An và Bắc Giang), 116 huyện, quận, thị được thí điểm chuyển mô hình Ban Đại diện thành Hội NCT,  xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hoạt động của các cấp, Tỉnh ủy và UBND các tỉnh, thành phố quyết định lập Hội trên cơ sở chuyển đổi mô hình Ban Đại diện Hội NCT thành Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Sau một thời gian hoạt động mang tính thí điểm, qua tổng kết ở 13 tỉnh, thành phố, Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện đạt được kết quả:

+ Vị thế pháp lý của Hội rõ hơn : 13 tỉnh và 116 huyện, thị đã lập Hội đều khẳng định đây là mô hình hiệu quả, đủ pháp lý hoạt động theo pháp luật (theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính Phủ).

+ Bộ máy tổ chức gọn nhẹ: cán bộ chuyên trách phổ biến cấp tỉnh 3 - 4 người, cấp huyện 1-2 người. Trụ sở, phương tiện, kinh phí hoạt động của Hội cấp tỉnh, cấp huyện do Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Hội cấp tỉnh phổ biến từ 13- 20 ủy viên, cấp huyện 11-15 ủy viên. Cán bộ Hội hưởng thù lao, không ảnh hưởng biên chế Nhà nước. So với Ban Đại diện trước đây nói chung không tăng bộ máy, cán bộ và kinh phí hoạt động.

+ Vai trò tham mưu của Hội NCT cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác NCT chủ động hơn, hiệu quả hơn. Ban Chấp hành Hội cấp tỉnh, cấp huyện có số lượng ủy viên không nhiều, bảo đảm tính dân chủ đại diện từ cơ sở.

+ Ban Công tác NCT là cơ quan Nhà nước phối hợp với Hội NCT theo chức năng nhiệm vụ được quy định, không trùng lắp cơ cấu và nhiệm vụ.

+ Cấp ủy, chính quyền có sự quan tâm, đánh giá hiệu quả cao mô hình tổ chức Hội NCT; Các sở, ban ngành, đoàn thể ở địa phương phối hợp tốt hơn, bình đẳng hơn với Hội NCT trong triển khai thực hiện các chương trình công tác của địa phương; mối quan hệ tổ chức Hội cấp trên, cấp dưới rõ ràng, có Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội, có quy chế làm việc, chương trình công tác nên công việc triển khai thuận lợi, thông suốt, các hoạt động văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò NCT ở các địa phương chuyển biến rõ.

+ Cấp ủy và chính quyền địa phương đánh giá cao hoạt động của Hội và hoạt động của Ban Chấp hành Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện, cho rằng mô hình này phù hợp với đặc điểm của NCT ở địa phương.

III. Kiến nghị:

Hội NCTViệt Nam là tổ chức XH đặc thù nhưng có vị trí quan trọng trong xã hội nên trong các nhiệm kỳ qua đều được Ban Bí thư có ý kiến chỉ đạo về tổ chức và hoạt động. Ban Đại diện Hội NCT phù hợp với giai đoạn đầu mới thành lập Hội NCTVN.

Trên cơ sở tổng kết mô hình tổ chức Hội của 50 Ban Đại diện và  13 Hội NCT tỉnh/ thành phố đã được lập Hội, đề nghị Ban Bí thư cho phép tỉnh/ thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh/ thành phố được chuyển đổi mô hình tổ chức từ Ban Đại diện thành  Hội NCT theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP để các cấp Hội có đủ tính pháp lý làm tốt hơn công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT trong tình hình mới./.