03/01/2014 09:22

Hội Người cao tuổi huyện Than Uyên “Tuổi cao - Gương sáng”

Những năm qua, Hội người cao tuổi huyện Than Uyên đã tích cực đẩy mạnh phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”, gắn với phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”. Phong trào đã thu hút nhiều hội viên tham gia làm kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

 


Các cụ Hội người cao tuổi huyện Than Uyên nhận giấy khen có thành tích xuất sắc
trong phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng” giai đoạn 2006 – 2011.


Hội người cao tuổi huyện Than Uyên có 3.234 hội viên tham gia sinh hoạt ở 138 chi hội. Những năm qua, Hội người cao tuổi huyện đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tích cực thực hiện phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” trên nhiều lĩnh vực:  Sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; xây dựng tổ dân phố tự quản, tham gia hòa giải các vụ việc trong nội bộ khu dân cư; xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội; tích cực xây dựng các Quỹ đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, khuyến học, khuyến tài, nuôi dạy con cháu chăm ngoan học tập...  

 

Phong trào đã tạo nên khí thế hăng say, nhiệt tình hưởng ứng, tham gia của các hội viên, thể hiện được vai trò, vị thế của người cao tuổi trong gia đình và xã hội. Hưởng ứng phong trào thi đua “người cao tuổi làm kinh tế giỏi” do Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam phát động, Hội người cao tuổi huyện tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia. Những hội viên còn sức khỏe thì trực tiếp tham gia quá trình lao động sản xuất; những cụ hội viên sức khỏe yếu thì động viên, hướng dẫn con cháu về kinh nghiệm, kỹ thuật để phát triển kinh tế. Qua phong trào “ người cao tuổi làm kinh tế giỏi” đã thu hút hàng trăm các cụ hội viên tham gia, trong đó nhiều hội viên được bình xét là người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Ông Đặng Văn Tỉnh - Chủ tịch Hội người cao tuổi huyện cho biết: “Nhằm phát huy vai trò và vị thế của người cao tuổi, chúng tôi đã không ngừng tuyên truyền, vận động các hội viên tuy theo sức khỏe và điều kiện tích cực tham gia làm kinh tế, bản thân cũng như giúp con cháu vươn lên làm giàu chính đáng. Việc đưa phong trào làm kinh tế giỏi vào Hội người cao tuổi đã có tác dụng rõ rệt, là  tấm gương sáng cho cho con cháu noi theo, nó thể hiện rõ người cao tuổi không chỉ giữ vai trò là tấm gương mẫu mực trong gia đình và xã hội, giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa cộng đồng, mà còn chứng tỏ là những người biết làm kinh tế và làm kinh tế giỏi. Tuổi cao sức yếu song luôn là những người  đi đầu góp công, hiến kế, động viên con cháu lao động sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”.

    

Đến thăm ông Hà Trung Phong – Ngã ba Mường Kim với mô hình trồng rừng phát triển kinh tế. Như bao bà con khác trong bản gia đình ông trồng lúa mà cuộc sống mãi cũng không đủ ăn, thấy đất rừng trong bản mình còn để hoang hoá, ông đã mạnh dạn đầu tư vào rừng để phát triển kinh tế mong thoát nghèo. Sau những năm tháng lao động miệt mài, bắt đất rừng  nhả "vàng" cho sản phẩm. Đến nay, ông đã có 7,8 ha rừng keo, rừng quế xanh tốt, hàng năm từ nguồn thu phụ phẩm lâm sản, gia đình ông thu nhập hàng chục triệu đồng. Bên cạnh sản xuất, ông Phong còn tận dụng đồng cỏ để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và các loại gia cầm khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cũng từ mô hình sản xuất này ông đã tạo công ăn việc làm cho 4 – 5 lao động thường xuyên trên địa bàn với thu nhập 2 - 3 triệu đồng một tháng.

        

Thăm mô hình VAC của ông Đống Xuân Nhân - Khu 8 – Thị Trấn Than Uyên. Được biết, trước đây gia đình ông chỉ trông chờ vào vườn vải và ít chân ruộng lúa, nhưng mấy năm gần đây, vải thiều liên tục rớt giá, đất cấy lại không nhiều nên gia đình ông gặp không ít khó khăn. Ông nhận thấy cần phải có một giống cây ăn quả khác thay thế cây vải để cải thiện kinh tế gia đình. Xuất phát từ suy nghĩ đó, ông vận động một số bà con trong thị trấn cùng đi thăm quan, học hỏi các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh như: Thái Bình, Nam Định. Sau nhiều lần đi thăm quan học hỏi, ông thấy cây ổi mỡ có giá trị hàng hoá cao, nhiều ưu điểm và phù hợp với vùng đất đồi núi quê ông. Sau 1 năm, mạnh dạn đưa cây ổi vào trồng, những cây ổi đều sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu cho thu hoạch khả quan. Từ sự thành công bước đầu ông mạnh dạn nhân rộng diện tích trồng  ổi hứa hẹn một hướng đi đúng. Cùng với đó ông còn nuôi gà, lợn và các loại gia cầm khác để vừa có thu nhập và có nguồn phân bón cho cây trồng, cải tạo đất.

    

Cũng như các hội viên người cao tuổi làm kinh tế giỏi như ông Đống Xuân Nhân, ông Hà Trung Phong, các hội viên hội người cao tuổi của huyện Than Uyên với vốn sống và kinh nghiệm của mình, các cụ đang tích cực tham gia phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương. Những việc làm của các cụ hội viên người cao tuổi, đã và đang làm gương cho thế hệ trẻ tinh thần hăng say lao động, sản xuất, giám nghĩ giám làm, sáng tạo trong lao động sản xuất. Cùng con cháu thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”,  phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, công tác an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm, hoà giải, khuyến học, khuyến tài...

              

Phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi của huyện Than Uyên thời gian qua đã xứng đáng 18 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho người cao tuổi “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bên cạnh đó, phong trào cũng đã góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm hộ nghèo, thúc đẩy lực lượng sản xuất tại cơ sở phát triển.

 

Với những gì Hội người cao tuổi huyện Than uyên đã làm được càng khẳng định vai trò, và vị thế  của người cao tuổi trong xã hội, từ đó con cháu và toàn xã hội có ý thức hơn trong việc chăm sóc người cao tuổi, giúp người cao tuổi "sống vui, sống khoẻ, sống có ích”.

 

Theo Thu Hoài
(Nguồn: laichau*gov*vn).