Trong 2 ngày 5 - 6/11, tại TP Hà Giang, Trung ương Hội NCT Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị tập huấn "Bồi dưỡng kiến thức bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, an ninh khu vực biên giới" cho 200 cán bộ Hội NCT khu vực miền núi phía Bắc, gồm các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Sơn La. Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam chủ trì hội nghị; đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Công tác NCT tỉnh Hà Giang dự và phát biểu chào mừng hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Hội nghị tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho cán bộ Hội NCT; tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành và Hội NCT các cấp trong việc tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, an ninh khu vực biên giới. Chủ tịch đề nghị Hội NCT các cấp hiểu đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, những định hướng, nội dung chủ yếu của từng chương trình để đề ra những mục tiêu, giải pháp thực hiện cụ thể trong từng giai đoạn; bên cạnh đó cần lựa chọn những công việc phù hợp để tham gia có hiệu quả ngay từ đầu triển khai, phát huy tốt nhất những tiềm năng, thế mạnh, kinh nghiệm của NCT.
Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu ý kiến tại hội nghị tập huấn
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo các nội dung như: Những vấn đề chung về biên giới, trách nhiệm của các cấp, các ngành tham gia xây dựng bảo vệ biên giới và kết quả thực hiện chương trình phối hợp; Tình hình môi trường hiện nay, nâng cao nhận thức của NCT và cộng đồng về bảo vệ môi trường hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa; Tổng quan chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nội dung chương trình giai đoạn 2016 - 2020.
Những thông tin, kiến thức trình bày tại hội nghị sẽ góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao nhận thức, tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ Hội NCT các cấp, hội viên, NCT và các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường, xây dựng nông thôn mới, an ninh khu vực biên giới của Tổ quốc trong thời gian tới.
Đại biểu tham dự hội nghị tập huấn
Chiều ngày 05/11, Đoàn công tác Trung ương Hội NCT Việt Nam do Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Công tác NCT tỉnh Hà Giang về nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện Luật NCT và kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012-2020 tại tỉnh Hà Giang; thực trạng tổ chức, hoạt động của Hội NCT tỉnh. Cùng làm việc có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Công tác NCT tỉnh; ban Chăm sóc NCT, ban Phát huy vai trò NCT Trung ương Hội; thành viên Ban Công tác NCT tỉnh, đại diện các sở ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, Thường trực Ban Công tác NCT và Hội NCT tỉnh báo cáo cho biết: Công tác triển khai Luật NCT được cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh quan tâm chỉ đạo, chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật, chính sách đối với NCT; bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác NCT từng bước được củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động hiệu quả. Các chế độ chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có đối tượng NCT, đảm bảo đầy đủ, kịp thời; cụ thể đã trích ngân sách tỉnh để nâng mức trợ cấp xã hội cao hơn từ 18,5% đến 22% so với mức chuẩn trợ cấp xã hội của Chính phủ quy định, tạo điều kiện giúp các đối tượng NCT khó khăn trên địa bàn tỉnh từng bước ổn định cuộc sống. Công tác chăm sóc về đời sống tinh thần được triển khai đồng bộ, việc chúc thọ, mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà... được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tiếp tục phát huy nhân rộng; các phong trào văn hóa, văn nghệ của NCT được quan tâm tổ chức; công trình nhà văn hóa, trung tâm giáo dục cộng đồng được quan tâm đầu tư xây dựng tạo điều kiện chăm sóc tinh thần NCT ngày càng hiệu quả hơn.
Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu kết luận tại buổi làm việc
với Ban Công tác NCT tỉnh Hà Giang
Về kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT đến nay thực hiện đạt 50% NCT có khả năng tham gia phát triển kinh tế, được hướng dẫn, hỗ trợ về sản xuất kinh doanh. Đạt 70,25% tổng số xã, phường, thị trấn hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động của Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT. 100% NCT trên địa bàn tỉnh khi ốm đau được khám, chữa bệnh và được hưởng chăm sóc của gia đình, cộng đồng; 93,75% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn tỉnh có khoa lão khoa hoặc có buồng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho NCT. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có chuyên mục về NCT tối thiểu 01 lần/01tháng. Đảm bảo 100% NCT đủ điều kiện theo quy định, được giải quyết hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng hoặc nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở chăm sóc NCT. Trên 80% NCT không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng hoặc trong các cơ sở chăm sóc NCT theo quy định. Có 64,3% tổng số xã, phường, thị trấn có các loại hình CLB hoặc mô hình bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT, trong đó trên 70% NCT trên địa bàn được tham gia hưởng lợi....
Tuy nhiên, một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với công tác NCT và tổ chức Hội NCT, chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể về công tác NCT. Tỷ lệ NCT được lập được hồ sơ theo dõi quản lý sức khoẻ ở tuyến xã, phường, thị trấn một và tỷ lệ NCT được chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ tại một số địa phương còn thấp. Trình độ năng lực của một số cán bộ làm công tác Hội ở cơ sở còn hạn chế; việc hợp nhất các chức danh không chuyên trách cơ sở dẫn đến một số chủ tịch, phó chủ tịch, chi hội trưởng chi hội NCT cơ sở còn quá trẻ nên chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền việc triển khai các hoạt động về công tác Hội ở địa phương, do vậy hoạt động thực hiện phong trào Hội còn thấp; cơ sở phục vụ cho công tác Hội còn nhiều thiếu thốn; chế độ đãi ngộ người làm công tác Hội ở cơ sở chưa phù hợp với tình hình hiện tại. Kinh phí cấp hàng năm không đủ chi cho hoạt động nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động của Hội. Chế độ trợ cấp cho cán bộ làm công tác Hội còn nhiều bất cập, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Nhiều chương trình, hoạt động được phê duyệt nhưng chậm được cụ thể hóa và hướng dẫn triển khai, đặc biệt là không được đầu tư bố trí kinh phí để thực hiện....
Nhân dịp này, các thành viên Ban công tác tỉnh nêu một số kiến nghị về công tác NCT, cụ thể là: Kiến nghị xem xét hạ độ tuổi hưởng chế độ trợ cấp xã hội đối với NCT dân tộc thiểu số, NCT ở vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn xuống độ tuổi từ đủ 75 tuổi; thực hiện nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với NCT. Tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách hàng năm cần căn cứ theo tính chất hoạt động của tổ chức Hội; bố trí hỗ trợ trang thiết bị làm việc để phục vụ cho hoạt động của Hội từ tỉnh đến cơ sở.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền giá cao tinh thần chuẩn bị nghiêm túc, cụ thể các nội dung làm việc. Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng công tác thực hiện Luật NCT, các chính sách NCT được cấp ủy, chính quyền quan tâm và đạt một số kết quả nhất định. Qua làm việc tại địa phương, Đoàn nắm bắt đầy đủ hơn tình hình thực hiện Luật NCT để từ đó tổng hợp, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách cho NCT. Thời gian tới, đề nghị Ban Công tác NCT tỉnh, Hội NCT bằng thực tiễn ở cơ sở tích cực nghiên cứu, đề xuất đóng góp ý kiến sửa đổi Luật NCT, văn bản pháp luật liên quan NCT đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng NCT; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để tập trung làm tốt hơn nữa công tác NCT; bố trí, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động cho NCT; phát triển Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT; phát triển CLB Liên thế hệ tự giúp nhau …góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho NCT, bảo đảm an sinh xã hội và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.