04/01/2019 14:43

Hội nghị tổng kết năm 2018 Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam

Ngày 02/1, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi; Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Chủ tịch Ủy ban; Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Nguyễn Hòa Bình; các thành viên Ủy ban và một số đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2018, cả nước có 11.313.200 NCT, chiếm khoảng 11,95% dân số; trong đó có 5.734.900 NCT nữ (chiếm 50,7%); 7.293.600 NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 65%); tỷ lệ NCT là người dân tộc thiểu số chiếm gần 10%; tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo khoảng 25,2% (2017). Cả nước có 1.990.000 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,6% tổng số NCT).

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, đến nay đã có 3,1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,6 triệu NCT được nhận trợ cấp hàng tháng, có 10 tỉnh đã nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định chung 270 nghìn đồng/tháng; gần 1,4 triệu NCT nhận trợ cấp người có công với cách mạng; hơn 1.094.106 NCT được chúc thọ, trong đó có 6.499 người tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng quà và gửi thiếp chúc mừng; có 10,834.127 người (chiếm 96% tổng số NCT) có thẻ BHYT; hơn 102.859 lượt NCT được giảm giá vé đường bộ với số tiền giảm hơn 1,5 tỷ  đồng; 56.680 lượt NCT được giảm giá vé đường thủy với số tiền giảm gần 4 tỷ đồng; 735.873 lượt NCT được giảm giá vé đường sắt với số tiền giảm hơn 46 tỷ đồng; 1965 vé bán ra cho NCT đường hàng không với số tiền 8,2 tỷ đồng.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Phạm Thị Hải Chuyền

 phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Việt Anh)

 

Thực hiện “Tháng hành động vì NCT Việt Nam” năm 2018 với nhiều hoạt động được các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Đã tổ chức 40.000 buổi tuyên truyền với 2,7 triệu NCT tham gia; vận động được 169 tỷ đồng (hiện vật và tiền), thăm hỏi, tặng quà 696.691 NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều địa phương đã tích cực vận động được nguồn lực cao như Bến Tre, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Long….

Hiện cả nước có 97 bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa, 918 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT; 8.173 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT. Đã có 47/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe NCT và một số tỉnh, thành phố bố trí kinh phí để thực hiện Đề án. Với trên 76.203 Câu lạc bộ về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tăng hơn 6 nghìn Câu lạc bộ so với năm 2017, thu hút trên 2.217.838 NCT thường xuyên tham gia, trong đó có 1.518/1.200 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, tăng 500 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau so với năm 2017. Các loại quỹ của NCT ở các cấp tiếp tục có sự tăng trưởng, góp phần tích cực chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Đến cuối năm 2018, có 62/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT ở 9.453 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 84% so với tổng số xã, phường, thị trấn cả nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác NCT ở các địa phương hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện chính sách pháp luật đối với NCT, thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể, còn coi công tác NCT chỉ là những hoạt động phong trào, là công tác của Hội NCT; công tác tuyên truyền phổ biến chính sách luật pháp chưa được thường xuyên, liên tục, đặc biệt đối với một số địa phương miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn; việc triển khai các hoạt động của một số Bộ, ngành, địa phương đối với công tác NCT còn chậm, chưa chủ động lồng ghép các hoạt động của ngành với công tác NCT. Đặc biệt là sự phối hợp của các thành viên Ban Công tác NCT ở địa phương còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và kịp thời. Đội ngũ cán bộ làm công tác NCT chuyên trách ở các cấp còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác NCT đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều tỉnh chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở cho NCT theo Thông tư số 35/2011/TT-BYT và Thông tư số 21/2011/TT-BTC; khó khăn trong việc thực hiện chính sách giảm giá vé thăm quan, di tích, danh lam, thắng cảnh, du lịch tại các cơ sở do tư nhân đầu tư quản lý theo như quy định tại Thông tư số 127/2011/TT-BTC và Thông tư số 06/2012/TT-BVHTTDL; kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Hội NCT các cấp còn hạn chế; Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT tại cơ sở còn khó khăn trong việc huy động và thành lập quỹ ban đầu theo quy định Nghị định 30 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020, tuy nhiên nguồn lực thực hiện chương trình còn hạn chế; một số địa phương còn gặp khó khăn trong triển khai Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, nguyên nhân do chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền và khó khăn về kinh phí trong tổ chức thực hiện, đặc biệt khó khăn về nguồn quỹ ban đầu.

 

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Việt Anh)


Mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân; độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội  đối với NCT còn cao (đủ 80 tuổi); một bộ phận NCT ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, NCT thuộc hộ nghèo đang gặp nhiều khó khăn.

Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực NCT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc NCT như: hỗ trợ miễn giảm thuế, ưu tiên cho thuê đất, cấp đất; ban hành khung giá dịch vụ. Còn nhiều tỉnh chưa có quy chế hoạt động và thành lập Ban Công tác NCT cấp huyện theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2014/TT-BNV ngày 19/9/2014 của Bộ Nội vụ. Đội ngũ cán bộ làm công tác NCT chuyên trách ở các cấp còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác NCT đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều tỉnh chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở cho NCT theo Thông tư số 35/2011/TT-BYT và Thông tư số 21/2011/TT-BTC; chưa triển khai được việc giảm giá vé thăm quan, di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tại các cơ sở do tư nhân đầu tư quản lý theo như quy định tại Thông tư số 127/2011/TT-BTC và Thông tư số 06/2012/TT-BVHTTDL; Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Hội NCT các cấp còn hạn chế; Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT tại cơ sở còn khó khăn trong việc huy động và thành lập Quỹ ban đầu (20 triệu đồng ở cấp xã, kinh phí xác nhận lý lịch tư pháp của đại diện NCT trong ban quản lý Quỹ) theo quy định Nghị định 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ. Công tác thông tin báo cáo còn chậm, một số Bộ, ngành, địa phương có báo cáo nhưng còn sơ sài, không có số liệu cụ thể nên cơ quan thường trực gặp nhiều khó khăn trong công tác tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện.

Hội nghị cũng đề xuất, kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhóm NCT thuộc hộ nghèo từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH. Đặc biệt NCT vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn. Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng trung tâm, cơ sở dưỡng lão chăm sóc NCT tại các tỉnh, thành phố khu vực nghèo, khó khăn có tỷ lệ NCT  cao; có các chính sách phù hợp, khuyến khích xã hội hóa trong chăm sóc NCT. Hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình xóa nhà tạm, dột nát cho NCT thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo. Bộ Y tế thống nhất hướng dẫn sổ quản lý theo dõi khám chữa bệnh cho NCT tại cơ sở; đào tạo nhân lực về lão khoa, nhân viên chăm sóc NCT và bác sỹ gia đình. Đề nghị các Bộ, ngành đánh giá tổng kết việc thực hiện Chương trình hành quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020; nghiên cứu xây dựng Chiến lược toàn diện thích ứng với già hóa dân số giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2035.