15/10/2015 09:17

Mấy ý kiến tham gia Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Ảnh minh họa (nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân)

Nhìn chung, Báo cáo chính trị có nội dung đánh giá sâu sắc, toàn diện; phương hướng, nhiệm vụ rõ ràng, giải pháp mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều chỗ còn nặng về sử dụng ngôn từ, nhắc lại nhiều lần và chưa được trau chuốt để xứng tầm với Báo cáo chính trị như: cụm từ “trong mọi tình huống” được sử dụng 2 lần trong 3 dòng gần nhau… (trang 55). Đồng thời xin tham gia một số ý kiến sau.

1. Về đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 – 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 – 2016)

Tại điểm 1. Đánh giá tổng quát...: Cụm từ “khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi, nhiều nước” nên thay bằng: “xung đột, nội chiến xảy ra ở một số quốc gia” (trang 4). Về những hạn chế, khuyết điểm..., đề nghị thêm vào đoạn đầu (trang 7): “Chưa khắc phục được bệnh thành tích và không ít cán bộ lãnh đạo chưa dám chịu trách nhiệm về khuyết điểm của cá nhân, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách” và thêm kiểm điểm “công cuộc phòng chống tham nhũng, còn hạn chế trong nhiệm kỳ qua” (trang 9). Việc đánh giá “Niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút” (trang 10): cần phải nêu rõ nguyên nhân và cụ thể những mặt nào, tính gương mẫu, phẩm chất đạo đức hay tham nhũng,... Bởi vì, nếu cán bộ, đảng viên giảm sút niềm tin vào Đảng thì sẽ là một nguy cơ ngay từ trong Đảng?

2. Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016 – 2020)

Nhiệm vụ 3 trong Nhiệm vụ tổng quát 5 năm cần làm rõ “phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước”. Thực tế, trong nhiệm kỳ qua và những năm trước đó, giáo dục - đào tạo chưa thực sự được coi trọng đúng mức nên trường lớp thiếu nhiều và chưa đáp ứng cả về số lượng cũng như tiêu chuẩn, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; còn lúng túng về định hướng nếu không nói là mất phương hướng. Khi mất phương hướng thì thầy, trò và người quản lý đều rơi vào bế tắc, như: chương trình và nội dung giảng dạy, sách giáo khoa, thi tốt nghiệp hay thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp... Vì thế, đất nước ta đã thống nhất, giang sơn thu về một mối 40 năm nhưng đến nay, sách giáo khoa vẫn đang là vấn đề nan giải, trường lớp ở nhiều nơi không đáp ứng yêu cầu tối thiểu và ở ngay Hà Nội, trường lớp vẫn thiếu là điều không thể được. Khoa học - công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, sản phẩm của ta còn quá lạc hậu so với thế giới, trước hết ở khu vực trong khi không thiếu các nhà khoa học được đào tạo ở trong nước và nước ngoài. Gần đây, Triều Tiên thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân làm thế giới quan ngại trong khi ở ta, nhiều máy phục vụ nông nghiệp do nông dân chế tạo, có người nghiên cứu chế tạo được tàu ngầm nhưng không được cơ quan chức năng nào quan tâm là điều cần nghiêm túc xem xét chính sách thu hút nhân tài hay giải pháp thực hiện. Vì vậy, nhiệm kỳ tới không thể để giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ chỉ là khẩu hiệu mà đòi hỏi có giải pháp cụ thể để đúng là “quốc sách hàng đầu”.

Tại Nhiệm vụ 10: không chỉ nêu “đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng...” mà thêm vào: “kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm minh” nạn tham nhũng cùng với tệ lãng phí,... Đây là vấn đề rất nhức nhối hiện nay làm thiệt hại quá nhiều tiền của của Nhà nước và Nhân dân, nhưng quan trọng hơn là mất niềm tin trong Nhân dân.

Các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được 5 năm tới (về môi trường): Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh (trang 18)... là chỉ tiêu không tưởng vì ngay ở Hà Nội có điều kiện thuận lợi nhưng ở nhiều nơi người dân chưa được dùng nước sạch, thậm chí còn thiếu nước sạch đảm bảo sinh hoạt bình thường trong cuộc sống.

3. Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Điểm 1. Tình hình có nhận định: “... nông nghiệp phát triển toàn diện hơn theo hương khai thác những lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ. Cơ cấu kinh tế vùng được quan tâm, có sự chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng,...” (trang 19) là chưa đánh giá đúng tình hình thực tế. Phải chỉ ra rằng, ngành nông nghiệp đã thả nổi để nông dân tự xoay sở, dẫn đến trồng cây, cấy lúa theo phong trào, thiếu sự hướng dẫn của cơ quan chức năng nên nông dân thiệt đủ mọi bề; sản phẩm nông nghiệp không được bảo hộ, không rõ đầu ra và chư thực sự trở thành hàng hóa,… vì không có quy hoạch. Do đó, nên sửa là: “nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển nhưng chưa được coi trọng, đầu tư đúng mức; khoa học kỹ thuật chưa được áp dụng rộng rãi giúp nông dân sản xuất đạt năng suất cao; quy hoạch kinh tế vùng và cây trồng chưa được quan tâm đúng mức nên sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...”.

Theo đó, về nông nghiệp và nông thôn cần được khẳng định có chính sách ưu tiên hợp lý vì với Việt Nam nếu không giải quyết tốt nông nghiệp thì nông dân không có việc làm, sản phẩm không có đầu ra. Vì vậy, phải có ruộng cho nông dân sản xuất và có chính sách hợp lý để nông dân không bỏ ruộng, phá rừng; nông dân tự đảm bảo được cuộc sống bình thường (hàng năm, Thủ tướng lại có quyết định xuất hàng nghìn tấn gạo dự trữ cứu đói cho một số địa phương trong khi chúng ta đã được LHQ công nhận đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có xóa đói giảm nghèo). Là một nước nông nghiệp nhưng phải bỏ ra hàng tỉ đô la Mỹ để nhập thức ăn chăn nuôi?

4. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Về tình hình đánh giá: “Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ” (trang 35) là không chính xác. Như trên đã đề cập, do không xác định được phương hướng nên giáo dục không đáp ứng yêu cầu sự phát triển của xã hội cả về bề rộng và chiều sâu. Thầy giáo không coi trọng dạy người trong khi dạy chữ cũng chưa ổn, gian lận trong thi cử, học hàm, học vị,… làm nhức nhối xã hội. Chất lượng giáo dục, đào tạo của Việt Nam còn thua xa nhiều nước trong khu vực và bằng cấp chưa được nước ngoài công nhận. Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời nhưng kiên quyết không mở trường đại học không đủ điều kiện và không tuyển sinh viên bằng mọi giá để có “sản phẩm” hão huyền.

Dó đó, trong phương hướng cần xác định xây dựng được đội ngũ giáo viên thực sự có trình độ, phẩm chất, đúng là “máy cái” để đào tạo được những lớp học sinh có chất lượng tương xứng với học sinh của nhiều nước trong khu vực. Cần có bộ sách giáo khoa phù hợp và nên thay cụm từ “đa dạng hóa nội dung” bằng đảm bảo nội dung hợp lý, theo đúng mục tiêu giáo dục, đào tạo đã đề ra. Làm được như vậy, nước ta mới đào tạo được những lớp học sinh có kiến thức đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và có nguồn lực lao động đáp ứng nhu cầu không chỉ ở trong nước mà còn xuất khẩu lao động có chất lượng trong xu thế ngày càng hội nhập cao.

5. Về phát triển văn hóa, xây dựng con người

Về nguyên nhân của những hạn chế (trang 42), đề nghị bổ sung: “… trước hết là do các cơ quan chức năng ở Trung ương chưa có định hướng rõ, có lúc còn buông lỏng quản lý,… nên để xảy ra tình trạng chiếu phim trên truyền hình, quảng cáo,… trái với thuần phong, mỹ tục, không phù hợp với văn hóa truyền thống của Việt Nam, ảnh hưởng đến việc xây dựng con người Việt Nam…”.

Về Phương hướng, nhiệm vụ cần bổ sung: “… cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình; trước hết là gia đình cán bộ lãnh đạo các cấp phải có trách nhiệm xây dựng gia đình gương mẫu với các thành viên đều là người tốt”.

6. Về quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội

Đảm bảo an sinh xã hội… Coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân… thêm vào “phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam”, nếu không cho dù người bệnh có được chăm sóc tốt nhưng sẽ phải mua thuốc điều trị giá cao do thuốc nhập khẩu; thêm vào đối tượng người cao tuổi, những người yếu thế trong xã hội (trang 48)

7. Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong Phương hướng, nhiệm vụ:... “khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam...” (trang 60), cần bổ sung: “trong đó, coi trọng xây dựng mối quan hệ, đoàn kết dân tộc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”. Đây là một vấn đề không nhỏ vì đất nước ta đã thống nhất 40 năm nhưng một số ít trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn chưa xóa bỏ được hận thù, mặc cảm,.. làm ảnh hưởng đến sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Do đó, cần có chính sách hợp lý để một số phát huy tinh thần “con Rồng, cháu Tiên” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không còn chống đối, chung sức chung lòng góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

“Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (trang 60) nên bổ sung thêm: “vì vậy, kiên quyết không để xảy ra và xử lý nghiêm minh hiện tượng gây mất đoàn kết trong Đảng”. Không thể để tình trạng kêu gọi đoàn kết nhưng vẫn mất đoàn kết, thậm chí có nơi trầm trọng nên không tạo ra sức mạnh trong Đảng.

8. Về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng

Về hạn chế, khuyết điểm, phần cuối, đoạn 2 (trang 80) nên sửa: “Một số ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng,…” nếu ghi “không ít” có thể hiểu là nhiều, như vậy sẽ là nguy cơ vì cán bộ, đảng viên mà như vậy thì sẽ ảnh hưởng lớn đến quần chúng?

Về phương hướng nên bổ sung:… “Kiến quyết tinh giản tổ chức, bộ máy…” (trang 85), nhiều lần đã đưa ra vấn đề này nhưng tổ chức vẫn phình ra, biên chế vẫn tăng lên và thêm ý: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở thực sự có khả năng đảm nhiệm công việc”, vì thực tế hiện nay, cán bộ cấp xã rất yếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Trong điểm Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ… ở câu: “… để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp” (trang 87) bổ sung: “trước hết, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, không để con cháu, người thân vi phạm” nhằm làm gương cho mọi người noi theo.

Trên đây là một số ý kiến tham gia vào Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng.