01/03/2023 14:47

Tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi và vấn đề già hoá dân số nhanh ở Việt Nam

Kì 2: Già hóa dân số nhanh ở Việt Nam

Xu thế già hóa dân số và những thách thức

Già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nâng cao chất lượng đời sống và gia tăng tuổi thọ trung bình là đánh dấu thành tựu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, đồng thời với gia tăng tuổi thọ trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững thì xu thế già hóa dân số nhanh là một tất yếu. Những thách thức do xu thế già hóa dân số nhanh sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế - xã hội và áp lực cho thực hiện hệ thống an sinh xã hội.

Theo UNFPA (Quỹ dân số LHQ), một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng dân số và giai đoạn “già” khi dân số cao tuổi chiếm 20% tổng dân số. Các nghiên cứu về già hóa dân số trên thế giới đã chỉ ra tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh sẽ tác động đến mọi chiều cạnh của đời sống xã hội, từ kinh tế - xã hội. Đặc biệt, dễ dàng nhận ra nhất đó là sự khủng hoảng nguồn nhân lực cho thị trường lao động (Nhật Bản, Pháp, Đức,…); tăng nhanh tỉ lệ dân số phụ thuộc, gây áp lực với hệ thống y tế và lương hưu, hệ thống bảo trợ xã hội đối với chăm sóc cho NCT. Chăm sóc NCT về sức khỏe thể chất và tinh thần và các tương tác xã hội trong bối cảnh già hóa dân số cũng đặt ra nhiều vấn đề không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn là cấp độ gia đình và xã hội.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kì dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Tổng cục Thống kê dự báo, dân số Việt Nam từ 65 tuổi sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Đây sẽ là thời điểm chấm dứt thời kì cơ cấu dân số vàng xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2017. Năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kì dân số già, kéo dài trong 28 năm (2026-2054), tương ứng với tỉ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kì cơ cấu dân số rất già (2055-2069), tương ứng tỉ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 20% đến dưới 29,9%.

Điều đáng nói hơn là quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nói trên kéo dài hàng trăm năm.

Già hóa dân số đòi hỏi quốc gia thay đổi chính sách

Một là, già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở NCT, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Khi tỉ lệ NCT tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo. Việt Nam có hệ thống bảo trợ xã hội tương đối phát triển, tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận hệ thống bảo trợ xã hội của người cao tuổi, mở rộng phạm vi áp dụng của hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia và chương trình trợ giúp xã hội. Đồng thời, cần phải nhìn nhận rằng, nhiều NCT có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu, đồng thời cần trao cơ hội hoạt động kinh tế cho NCT.

Hai là, già hoá dân số sẽ khiến cấu trúc, quy mô gia đình thay đổi. Khi tuổi thọ gia tăng và con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. So với các nước phát triển thì dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tinh thần cho NCT ở nước ta còn nhiều hạn chế, chưa đa dạng về mô hình và ở cấp độ cá nhân thì phần lớn NCT thiếu hụt nguồn lực tài chính, hiện nay ở khu vực nông thôn thì đa số NCT vẫn sống dựa vào sự chăm sóc, hỗ trợ của con cháu là chủ yếu.

Ba là, các nghiên cứu về NCT cũng đã chỉ ra trong tương lai với tốc độ già hóa vào nhóm nhanh nhất thế giới thì trong vài thập kỉ tới, NCT Việt Nam cùng lúc đối mặt với khó khăn về nhà ở, chăm sóc y tế và an sinh xã hội. Hơn nữa, khi tuổi thọ tăng lên thì đối với nhóm hưởng lương hưu cũng kéo dài hơn, tạo áp lực đối với hệ thống y tế và quỹ lương hưu.

Đứng trước những thách thức trên nhưng Việt Nam còn thiếu sự chuẩn bị cho già hóa dân số ở tương lai gần. Khảo sát "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" tiến hành trên 2.019 người từ 30 đến 44 tuổi tại Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, An Giang, TP Hồ Chí Minh trong tháng 9, 10/2021 cho thấy, chỉ 28,4% người có lên kế hoạch để đạt được cuộc sống như mong muốn khi về già. "Mức độ tự tin cũng như sẵn sàng cho cuộc sống về già của người Việt còn chưa cao, đặc biệt về mặt tài chính. Nếu tính theo thang điểm 10 thì sự chuẩn bị của nhóm người khảo sát mới chỉ đạt 5,32 điểm, tức là ở mức trung bình thấp".

Như vậy, chỉ hơn 10 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già nhưng người Việt vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc sống hưu trí.

UNFPA đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số, với trọng tâm là áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời vào vấn đề già hóa dân số và coi NCT là nguồn lực, trên cơ sở tôn trọng quyền chứ không phải là gánh nặng trong quá trình phát triển bền vững. Cụ thể:

- Xây dựng khung pháp lí và chính sách áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời mang tính chuyển đổi về giới để bảo vệ quyền của các cá nhân khi về già, trao quyền và giúp NCT hòa nhập xã hội trong các môi trường phát triển, các tình huống có khủng hoảng nhân đạo, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, cơ hội việc làm và bảo đảm tài chính;

- Phát triển hệ thống chăm sóc toàn diện, bao gồm cả chăm sóc tập trung và chăm sóc cộng đồng, chú trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương như dân tộc thiểu số, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực gia đình;

- Hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng về vấn đề già hóa và chăm sóc NCT cũng như truyền thông cho công chúng về vấn đề già hóa thông qua cách tiếp cận theo vòng đời mang tính chuyển đổi về giới;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ chăm sóc cũng như ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc NCT.

TS. Đoàn Hữu Bẩy
Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng TW Hội NCT Việt Nam