Ở Việt Nam, các quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến được quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật, được bảo đảm thực hiện bằng các cơ chế, bộ máy của Nhà nước và được tạo điều kiện thông qua sự phát triển phong phú, đa dạng của các loại hình báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có Internet.
|
Các phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại một sự kiện (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Nguyện vọng của nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước trân trọng, lắng nghe trong quá trình xây dựng pháp luật cũng như hoạch định chính sách về mọi vấn đề quan trọng của đất nước. Các cuộc chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội, các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân diễn ra hàng ngày trong đời sống của nhân dân Việt Nam.
Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật; được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Việc Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đăng công khai và nhận được hơn 26 triệu ý kiến đóng góp là một minh chứng rõ nét về tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến của người dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Dự án Luật tiếp cận thông tin cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII nhằm cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp về quyền được thông tin của công dân.
Tính đến hết năm 2013, cả nước có 997 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm (so với 676 cơ quan và gần 700 ấn phẩm của năm 2009); gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; 01 hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình và 78 kênh phát thanh, 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội và 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động (năm 2011 chỉ có 46 báo điện tử và 287 trang thông tin điện tử). Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới. Trên 90% hộ gia đình bắt được sóng Đài Truyền hình Việt Nam, so với 85% năm 2008.
Người dân Việt Nam được tiếp cận với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có những kênh được phát rộng rãi trên thế giới như CNN, BBC, Bloomberg, TV5, DW, NHK, KBS, Australia Network... Tất cả các hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới đều đến với người dân Việt Nam thông qua mạng internet như: Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN, Kyodo, Economist, Financial Times... Có 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo và tạp chí nước ngoài in bằng nhiều thứ tiếng được phát hành rộng rãi tại Việt Nam.
Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, bày tỏ chính kiến, đóng góp ý kiến về tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực trong việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm quyền con người, quyền công dân và các biểu hiện tiêu cực khác. Hiện Việt Nam đang xây dựng Luật Báo chí sửa đổi, dự kiến dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội với nhiều điểm mới nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình và đồng bộ với các luật khác như: Vấn đề quản lý báo chí điện tử, chế tài đối với các tổ chức từ chối nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí…
Hiện Việt Nam có 64 nhà xuất bản (năm 2009 chỉ có 55 nhà xuất bản), với tốc độ tăng bình quân số lượng xuất bản phẩm hàng năm là 5-10%. Năm 2012, ngành xuất bản tại Việt Nam đã xuất bản 28.009 xuất bản phẩm, khoảng 301.717.000 bản với nội dung phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu đọc của người dân. Luật Xuất bản sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2012, thể hiện sự nhất quán tôn trọng quyền phổ biến tác phẩm của cá nhân, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.
Nhà nước Việt Nam khuyến khích sử dụng internet để phục vụ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và các quyền tự do cơ bản của nhân dân. Theo khảo sát gần đây của WeAreSocial, một tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, tính đến tháng 12/2012, số người dùng Internet ở Việt Nam là 30,8 triệu người (so với 26 triệu người năm 2010 và 20 triệu người năm 2008), chiếm 34% dân số (cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%). Sự ra đời của dịch vụ truy cập Internet qua mạng 3G (tháng 10/2009) đánh dấu thời kỳ phát triển bùng nổ của Internet băng thông rộng tại Việt Nam với số lượng người sử dụng đạt 16 triệu người (chiếm 18% dân số) chỉ trong 3 năm (tính đến tháng 7/2012). Tính chung cả nước có gần 3 triệu người có blog cá nhân. Theo xếp hạng năm 2012 của Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 8 tại châu Á về số lượng người sử dụng Internet.
Minh Anh/ ĐCSVN, 10/2/2014.