Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 5 và đã tạo được hiệu ứng lan tỏa cũng như nhiều lợi ích trong đời sống xã hội đối với việc mua và sử dụng hàng Việt. Tuy nhiên, để cuộc vận động ngày càng thiết thực và bền vững thì phải có đề án về truyền thông cụ thể và phải xây dựng được chiến lược quốc gia.
|
Trong Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng. (Ảnh minh họa: TH) |
Nâng cao uy tín của hàng Việt
Theo Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2013, mặc dù sản xuất trong nước vẫn gặp khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm, hàng vạn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất;... nhưng cuộc vận động đã đạt được kết quả khả quan. Cụ thể, chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, được người tiêu dùng yêu thích, mua sắm, sử dụng. Hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012.... Trong đó, những sản phẩm "made in Vietnam” có giá trị xuất khẩu lớn và được thị trường thế giới ưa chuộng là may mặc, thủ công mỹ nghệ, nông sản…
Đạt được kết quả này là sự chung tay, góp sức của nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan. Điển hình như Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định và dự thảo Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; xây dựng và hoàn thiện dự thảo 5 thông tư, 5 đề án. Phê duyệt 3 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cho 141 đề án với tổng kinh phí gần 94 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị chắp nối cung cầu hàng hóa giữa cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa truyền thống và hiện đại khu vực Nam bộ, miền Trung – Tây Nguyên và miền Bắc...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, sửa đổi 2 luật; trình Chính phủ ban hành 5 nghị định, 2 quyết định... Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản, vật tư, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Quốc hội thông qua Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi năm 2013). Thẩm định dự thảo và trình công bố 479 TCVN; thẩm định 197/526 TCVN thuộc kế hoạch năm 2013. Tăng cường công tác quản lý, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị. Hướng dẫn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sáng chế cho các nghiên cứu khoa học....
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo 748 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh và truyền hình, 68 báo điện tử và hệ thống đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tổ chức các chương trình truyền thông về Cuộc vận động như: “Thương hiệu mạnh và phát triển bền vững”; “Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng”; 42/63 tỉnh, thành đã thành lập Ban chỉ đạo..
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như tâm lý sính ngoại của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn là những khó khăn, yếu kém mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Trong khi đó, việc thực hiện cuộc vận động ở một số bộ, ngành đoàn thể Trung ương còn lúng túng, bị động, đối phó, chưa gắn cuộc vận động với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt việc ngăn chặn, đấu tranh với hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh vẫn tiếp tục gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất trong nước. Hơn nữa tuy tỷ lệ người Việt có niềm tin vào hàng Việt đã tăng lên rõ rệt; nhưng chưa đánh giá được định lượng, mức độ gia tăng của các loại hàng hóa nên không đánh giá được kết quả.
Cần phát huy sức mạnh tổng hợp
Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” xác định, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động theo chủ trương của Bộ Chính trị trong thời gian tới là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần giải quyết những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua cũng như hiện nay và cả về lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước, nhất là khi Việt Nam tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2015 và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP).
Để cuộc vận động thực sự có sức sống trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho rằng phải có đề án về truyền thông cụ thể cho cuộc vận động này. Phải tuyên truyền để khuyến khích sản xuất và để người tiêu dùng biết nhiều hơn đến hàng Việt. Trong đó phải có sự hỗ trợ của nhà nước và bộ, ngành trong công tác truyền thông để người tiêu dùng có sự so sánh giữa hàng Việt và hàng nước ngoài.
Cùng với công tác truyền thông, tại hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra mới đây, các đại biểu còn nhấn mạnh đến việc xây dựng chiến lược là lợi ích quốc gia, không vi phạm tới các cam kết quốc tế và hội nhập. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, muốn làm được điều này, bản thân các doanh nghiệp trong nước phải chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm và cân đối giá thành một cách hợp lý nhất.
Nhấn mạnh đến yếu tố tự hào, tự tôn dân tộc khi mua sắm và sử dụng hàng Việt, các đại biểu nhấn mạnh đến lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, cuộc vận động khuyến khích lòng yêu nước với tư tưởng mỗi sản phẩm hàng Việt bán được thì sẽ làm cho một người dân Việt không mất việc làm. Tuy nhiên, lòng yêu nước phải đến từ cả phía nhà sản xuất chứ không riêng gì người tiêu dùng. Do đó, để thúc đẩy lòng yêu nước của nhân dân thì yếu tố chất lượng sản phẩm là yếu tố không thể thiếu.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho rằng, năm 2014 và những năm tiếp theo phải tập trung phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tình cảm, trách nhiệm bảo vệ tương lai đất nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và vận động doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao. Cùng với đó truyền thông cho trúng, cho thấu, đúng đối tượng, đúng mục tiêu, mục đích và cuối cùng là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc vận động, tuyên truyền tiêu dùng hàng Việt.../.
Nguồn: ĐCSVN/ 27/2/2014, Thu Hà