Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để khơi dậy và phát huy tối đa nguồn nội lực. Đây là vấn đề cơ bản nhằm thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Muốn nắm bắt được thời cơ, vượt qua được những khó khăn, thách thức đưa sự nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới thì cách tốt nhất, căn bản nhất là phải phát huy được toàn bộ nguồn lục bên trong, tạo ra nội lực mới, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển. Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta cũng đề ra yêu cầu nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nó tác động tương hỗ thúc đẩy tạo tiền đề cho yếu tố bên trong phát triển. Nhưng nội lực bao giờ cũng là nguồn lực chính cho sự phát triển khi chúng ta biết khai thác và và phát huy nó một cách thích hợp.
Trong nguồn nội lực đó, có một bộ phận nội lực xã hội mà nếu chúng ta biết tôn trọng, sử dụng, phát huy và động viên đúng mức thì chắc chắn sẽ giúp thêm phần tạo ra sức mạnh của đất nước tốt hơn nhiều. Đó là tiềm lực của lớp NCT nói chung và của những cán bộ, công nhân, viên chức, cựu chiến binh đã nghỉ hưu.
Tuy nhiên, để phát huy được nguồn nội lực này cần phải xử lí sự khác biệt nảy sinh giữa hai thế hệ già và trẻ. Đó là: Một số không ít lớp trẻ coi thường người già đã về hưu, có những suy nghĩ chưa đúng mức cho rằng người già bảo thủ, hay sinh chuyện, khó thông cảm với yêu cầu và việc làm của lớp trẻ. Ngược lại, cũng không ít NCT coi thường lớp trẻ, tư tưởng công thần, cho lớp trẻ là "ngựa non háu đá" nên không ít hiện tượng tiêu cực nảy sinh hiện nay như tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, ăn chơi trác táng ... Do vậy, thiếu lòng tin vào lớp trẻ.
Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền tặng quà cụ Vũ Oanh
Quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" không ai có thể tránh được. Song cũng tuỳ vào cách quan niệm của mỗi người, tuỳ bản lĩnh. văn hoá của mỗi người mà có sự nhìn nhận và ứng xử với quy luật ấy.
Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước rất nặng nề và khó khăn. Đảng, Nhà nước ta phải dựa vào lớp trẻ thanh niên, trung niên và phát huy khả năng của họ. Đây là lực lượng nòng cốt thúc đẩy phát triển xã hội. Đồng thời, Đảng, Nhà nước ta rất tôn trọng, biết tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các bậc tiền bối và luôn quan tâm động viên NCT đóng góp trí tuệ, kĩ năng, kinh nghiệm của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Như chúng ta đã biết, những năm 1945 trở về trước, tuổi thọ trung bình ở nước ta chỉ vào khoảng 32, nay đã lên gần 74 tuổi. Số NCT nước ta hiện nay chiếm trên 10% dân số và bước vào thời kì "Già hoá dân số" với rất nhiều thách thức.
NCT khả năng thích nghi có giảm sút so với thời kì trẻ trung nhưng kinh nghiệm, kĩ năng, trí tuệ bao giờ cũng là ưu thế của họ.
Tính tuổi theo năm tháng mặc dù rất quan trọng nhưng chưa đủ để đánh giá khả năng, hiệu suất làm việc, sự cống hiến của mỗi con người. Quan sát thực tế chúng ta thấy có nhiều NCT mà vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn và hoạt động sôi nổi, đóng góp cho xã hội, cho đất nước không nhỏ.
Thực vậy, số NCT từ 60 đến 70 và trên 70 tuổi chiếm tỉ lệ khá lớn, số đông đã được rèn luyện trên các chiến trường, đã được bồi dưỡng về văn hoá, nghề nghiệp, có trình độ đại học, trên đại học, nhiều người là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, nay nghỉ hưu vẫn chịu khó rèn luyện sức khoẻ nâng cao thể lực và năng lực hoạt động còn khá.
Rất nhiều NCT về hưu trước đây là cán bộ trung cao cấp trong quân đội, trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, đoàn thể, trong quản lí nhà nước, doanh nghiệp, trở về đời thường vẫn nêu cao đạo đức cách mạng, phục vụ Nhân dân và tham gia công tác ở địa phương như: Bí thư Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận, tổ dân phố, các đoàn thể xã hội (Hội Khuyến học, Hội NCT, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, v.v...) nêu gương sáng cho con cháu và cho xã hội (theo số liệu chưa đầy đủ số này chiếm 60 - 70% cán bộ cơ sở).
Khá đông NCT về hưu có quan hệ gắn bó với cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, họ luôn có ý thức xây dựng, đóng góp ý kiến cho cơ quan và cán bộ đương chức. Không ít NCT khi về hưu đã mở các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khám chữa bệnh, dạy học, phát triển VAC và sinh vật cảnh, v.v... Nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ cao tuổi đã có những tác phẩm sáng tác giúp ích cho đời, được xã hội đánh giá cao.
Để biến thách thức "Già hoá dân số" thành nguồn nội lực, Đảng và Nhà nước ta chú trọng chăm sóc và phát huy khả năng NCT nói chung và NCT về hưu nói riêng là rất đúng, được thể hiện trong cuộc sống và phát huy tác dụng to lớn.
Từ vai trò và vị trí của NCT nói trên, cần tăng cường và phát huy hơn nữa nội lực của đất nước, trước hết các cấp, các ngành cần nâng cao chất lượng thông tin về tình hình trong nước và thế giới, về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho cán bộ cơ sở tốt hơn, tạo điều kiện cho họ nắm được thực chất vấn đề, nâng cao tâm huyết, sáng tạo trong công tác.
Coi trọng tổng kết sâu sắc những kinh nghiệm và việc làm sáng tạo của cơ sở tiên tiến toàn diện hoặc từng lĩnh vực mà những nơi đó là cán bộ nghỉ hưu hoặc cựu chiến binh là cán bộ cốt cán chủ trì và cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua làm tốt hơn, vững chắc hơn.
Đại đa số cán bộ về hưu, nhất là cựu chiến binh đã ra quân từ lâu hiện nay đời sống khó khăn cần động viên giúp đỡ họ đi vào phong trào xoá đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp. Cán bộ về hưu hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khoa học, giáo dục, y tế phải tiên phong trong áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến thực hiện tốt chính sách xã hội, luật vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Các cơ quan Nhà nước hữu quan cần tránh cho họ những phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn, tiếp cận với thị trường, khoa học công nghệ mới.
Cần có sự tổng kết các hình thức tổ chức, tập hợp và phát huy khả năng của người cao tuổi về hưu theo sở trường giúp cho việc nghiên cứu vận dụng và triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ở cơ sở. Chú trọng vận dụng với đặc điểm của từng vùng, từng đối tượng, từng dân tộc khác nhau trong cả nước hoặc từng địa phương. Việc này không phải là mới nhưng nhìn chung chưa kịp thời, so với thực tế cuộc sống còn có khoảng cách.
Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, dân tộc văn hiến. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó nhưng hiện nay văn hoá, đạo đức bị mai một, phai mờ, nhiều tiêu cực xã hội đau lòng không có chiều hướng giảm.
Đội ngũ NCT có nhiều cống hiến, được tôi luyện trong cuộc đấu tranh giữ nước, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước cần có những đóng góp tốt hơn nữa với khả năng sức lực những năm tháng còn lại của mình trong sự nghiệp phát huy truyền thống yêu nước, giữ gìn, bồi đắp văn hoá, đạo đức dân tộc và gia đình Việt Nam tốt đẹp, là trách nhiệm, vinh dự to lớn, đóng góp có tính chất cơ bản và lâu dài cho phát triển nội lực dân tộc.
Chính vì lẽ đó, chúng ta phải có cái nhìn thực sự trân trọng đối với thế hệ cha ông đi trước, đồng thời có nhận thức đúng đắn và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Đó là đòi hỏi sự kế tiếp và phát triển của sự nghiệp cách mạng. Thế hệ trẻ hôm nay không thể hiểu được mình nếu họ không hiểu được hành trình của các bậc tiền bối của họ, không biết cảm nhận và phân tích những giá trị và kinh nghiệm quý bàu của cha ông đã tích luỹ cả cuộc đời. Tính liên tục thống nhất và sự đa dạng không ngừng đối lập nhau, nhưng luôn luôn bổ sung cho nhau trong từng thời đoạn sống cùng nhau. Đó chính là cuộc sống của những con người và đó cũng là biện chứng của cuộc đờin
Vũ Oanh
Cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội NCT Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Ngày mới Online