Ngày 23/3, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo “Quyền của NCT trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”. TS Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NCT Việt Nam, lãnh đạo Ban Đối ngoại, Văn phòng Trung ương Hội; Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về NCT Việt Nam; Ban Cải cách tư pháp Trung ương; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu sinh khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, …cùng tham gia chia sẻ kiến thức, thông tin và thảo luận về các vấn đề về quyền của NCT ở trên thế giới và Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Mục đích của hội thảo nhằm khảo sát, phân tích, đánh giá về các chuẩn mực về quyền của NCT trong pháp luật quốc tế, khu vực và pháp luật quốc gia. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm nghiên cứu, trao đổi về thực trạng, xu hướng bảo vệ quyền của NCT ở một số nước trên thế giới và ở Việt Nam.
Theo PGS.TS Vũ Công Giao, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Xét chung trên phương diện nhân quyền NCT được xem là một trong các nhóm dễ bị tổn thương. Tính chất dễ bị tổn thương của NCT được thể hiện qua một số khía cạnh như họ dễ bị rơi vào hoàn cảnh đói nghèo và vì thế bị phụ thuộc vào người khác; họ dễ bị lạm dụng, ngược đãi, bỏ mặc; thường phải đối mặt các vấn đề về sức khoẻ thể chất và tinh thần.
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NCT Việt Nam Đàm Hữu Đắc phát biểu tại hội thảo
Theo nhóm nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Lan, Trần Thị Thu Hằng, Trần Thị Ánh Hồng, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ra nguyên nhân của thực trạng dẫn đến NCT vẫn bị lạm dụng, bị bạo hành và bạo lực, một phần là do bản thân NCT chưa nhận thức được rằng mình bị bóc lột và lạm dụng. Văn hoá không “vạch áo cho người xem lưng” cũng như tình thương con cháu, dẫn đến tình trạng họ không than phiền về gia đình và cam chịu, hơn nữa họ cũng không nghĩ rằng tình hình sẽ được cải thiện. Trong khi chủ đề về lạm dụng NCT hiếm khi được thảo luận trong các cuộc họp về chính sách, ít được ưu tiên nghiên cứu và chỉ được giải quyết bởi một số ít các tổ chức.
Qua những thực trạng, tình hình NCT và các vấn đề đang đặt ra, một số giải pháp mang tính tích cực được các đại biểu đề cập. Nhà giáo Ưu tú Chu Hồng Thanh, khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Để tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền của NCT cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy về quyền con người của NCT và có sự đổi mới căn bản và toàn diện trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, hướng tới nâng cao vai trò và vị thế của NCT, tôn vinh NCT, tạo điều kiện để NCT được tiếp tục cống hiện theo khả năng về trí tuệ và sức lực của từng người.
Bà Lê Minh Giang, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam tham luận
Theo bà Vũ Ngọc Bình, Cố vấn cao cấp Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng: NCT là một tài sản quý giá đối với xã hội, cộng đồng, gia đình và họ có đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của gia đình và xã hội. Bản thân NCT mang lại lợi ích chứ không phải là gánh nặng cho xã hội vì phải coi họ là những thành viên tích cực và năng động trong xã hội, chứ không coi họ là những người chỉ tiếp nhận một cách thụ động dịch vụ Nhà nước. Họ phải được coi là một nguồn lực kinh tế quan trọng cho sự phát triển và Nhà nước cần thúc đẩy các cơ hội việc làm, quy định tuổi về hưu linh hoạt và phát triển kỹ năng cho NCT để giúp họ tăng thu nhập và có được lợi ích cho tuổi già.
TS Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội khẳng định: Thực tiễn cho thấy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến NCT được thể hiện qua hệ thống khuôn khổ pháp lý (Hiến pháp, Luật, Nghị định, Pháp lệnh, Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch....). Tuy nhiên, thực tế việc triển khai và thi hành pháp luật liên quan đến quyền của NCT còn nhiều hạn chế, nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp, bám sát nhu cầu, nguyện vọng NCT. Mặt khác việc thực thi pháp luật liên quan đến NCT nhiều nơi còn chưa nghiêm nên dẫn đến nơi này nơi kia vẫn xảy ra tình trạng bạo hành NCT. Thông qua hội thảo này, Phó Chủ tịch mong muốn các nhà quản lí, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên trẻ cần tăng cường tuyên truyền, tiếp tục nghiên cứu, thực hiện nhằm chăm lo tốt hơn cho NCT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
PGS.TS. Julie Debeljak đến từ Australia phát biểu tại hội thảo
Đại biểu tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận về các quyền của NCT ở Việt Nam và trên thế giới như: quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của NCT; quyền làm việc của NCT; quyền của NCT trong tư pháp hình sự; bảo vệ quyền tài sản của NCT trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; quyền của NCT được bảo vệ khỏi bạo lực, bạo hành và lạm dụng.... Bên cạnh đó, nhiều khuyến nghị, giải pháp mang tính căn cơ, tích cực và những kinh nghiệm từ các nước tiến bộ cũng được đề cập đến.
Được biết, những thông tin, kiến thức các chuyên gia, đại biểu chia sẻ và thảo luận tại hội thảo sẻ được biên soạn, xuất bản thành sách để phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu trong nhà trường, cũng như để cung cấp cho các cơ quan, tổ chức hữu quan làm tài liệu tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật về NCT ở Việt Nam.