Ngày 10/1/2014, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 100-HD/BTGTW tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2014. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Hướng dẫn.
Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castrie
ở Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954.
Ảnh minh họa: cinet.gov.vn
Năm 2014, đất nước có nhiều ngày lễ lớn như: 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2014) và đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ; Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch); 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014); 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2014); 60 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014); 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014); 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2014); 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương (20/7/1954 - 20/7/2014); 69 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2014) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2014); 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/ 2014); 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014) và 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2014) và một số ngày kỷ niệm khác.
Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao”; Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 25/12/ 2013 của Bộ Chính trị “Về việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2014 - 2015”; Nghị định số 145/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ “Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài”, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2014 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2014 nhằm tôn vinh và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng; giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
2. Tạo không khí phấn khởi, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước; biểu dương gương người tốt, việc tốt, điển hình nhân tố mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại năm 2014.
3. Công tác tuyên truyền cần được triển khai với các hình thức phong phú, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; lồng ghép với việc tuyên truyền thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương, hình thức.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, KỶ NIỆM
1. Các ngày lễ lớn, sự kiện tổ chức kỷ niệm ở quy mô cấp quốc gia
1.1. Kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ ( 7/5/1954 - 7/5/2014 )
- Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia và diễu binh, diễu hành quần chúng tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
- Ban Tổ chức cấp quốc gia xây dựng Đề án các hoạt động kỷ niệm và chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành.
- Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền.
1.2. Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ( 22/12/1944- 22/12/2014 ) và 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2014 )
- Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia tại Thủ đô Hà Nội.
- Bộ Quốc phòng xây dựng Đề án tổ chức kỷ niệm và chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm.
- Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền.
1.3. Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014)
- Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia tại Thủ đô Hà Nội.
- Thành phố Hà Nội xây dựng Đề án tổ chức kỷ niệm và chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm.
- Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền.
1.4. Kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương ( 20/7/1954 - 20/7/2014 )
- Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia tại Thủ đô Hà Nội.
- Bộ Ngoại giao xây dựng Đề án tổ chức kỷ niệm và chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm.
- Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền.
2. Các sự kiện tổ chức kỷ niệm ở quy mô cấp tỉnh, thành phố hoặc ban, bộ, ngành
2.1. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2014)
a. Nội dung tuyên truyền
+ Tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Tổng Bí thư Trần Phú; những bài học sâu sắc rút ra từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
+ Những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
+ Tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh, Phú Yên và các địa phương khác.
b.Các hoạt động kỷ niệm
+ Tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức các hoạt động kỷ niệm: Lễ kỷ niệm, Lễ dâng hương và tuyên truyền sâu rộng trong tỉnh bằng các hình thức thích hợp như: tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, xuất bản sách, tài liệu, thông tin, cổ động.
+ Tỉnh Phú Yên chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam và nơi sinh Phú Yên”.
+ Các địa phương tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy tinh thần “Giữ vững ý chí chiến đấu” để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
2.2. Kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2014)
a. Nội dung tuyên truyền
- Sự hình thành, ý nghĩa lịch sử và vai trò quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
- Truyền thống và những đóng góp to lớn của bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong, cán bộ và nhân dân các địa phương tham gia mở đường, xây dựng và chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.
- Các hoạt động kỷ niệm diễn ra tại các địa phương, đơn vị, nhất là các địa phương trọng điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, các đơn vị trực tiếp xây dựng và chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh; hoạt động của Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Hội Cựu Thanh niên xung phong.
- Kết hợp với tuyên truyền kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Hội Cựu Thanh niên xung phong và địa phương, đơn vị liên quan xây dựng và triển khai Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm gắn với việc đón nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo và hướng dẫn tuyên truyền.
2.3. Kỷ niệm năm tròn (số năm kỷ niệm của sự kiện có chữ số cuối cùng là 0) ngày thành lập, ngày giải phóng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày truyền thống của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương: Các ban, bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm; không tổ chức diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm theo tinh thần Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị; chủ động, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để chỉ đạo và định hướng tuyên truyền.
3. Kỷ niệm ở quy mô năm lẻ các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2014 (số năm kỷ niệm của sự kiện không có chữ số cuối cùng là 0)
3.1. Kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2014) và đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ
a. Nội dung tuyên truyền
- Tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó tập trung làm rõ những thắng lợi vĩ đại và bài học kinh nghiệm của Đảng trong 84 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
- Tuyên truyền đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó tập trung phản ánh lộ trình, biện pháp và kết quả khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra sau khi kiểm điểm Nghị quyết của các tổ chức đảng và đảng viên.
- Phát hiện và nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm trong việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ và xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; biểu dương tổ chức đảng tiêu biểu và đảng viên gương mẫu trong các phong trào thi đua và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Tuyên truyền các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, nhất là các hoạt động chăm lo tết đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình còn nhiều khó khăn; động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, nêu cao ý chí và quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
- Tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; đồng thời phê phán, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, cờ bạc, mê tín dị đoan, lãng phí trong việc hiếu, hỷ, lễ hội… Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái và âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Trung ương và địa phương không tổ chức Lễ kỷ niệm nhưng tổ chức kỷ niệm bằng các hình thức khác, phù hợp.
- Tại Hà Nội, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động này.
- Các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục; tổ chức biểu dương, gặp mặt, tọa đàm các tổ chức đảng tiêu biểu, đảng viên gương mẫu trong các phong trào thi đua và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức trao Huy hiệu 30, 40, 50 năm… tuổi Đảng; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương tổ chức các phong trào thi đua, các chương trình hành động cách mạng chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2014; lựa chọn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, nhất là trong thanh niên để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên tích cực tìm hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia các họat động “Đền ơn, đáp nghĩa”, các chương trình hành động cách mạng, các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
- Các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về sự kiện và các hoạt động kỷ niệm của các cấp, các ngành.
- Các cơ quan văn hóa, văn nghệ, hãng phim, nhà bảo tàng trên cả nước có các hoạt động, chương trình văn hoá, văn nghệ, triển lãm, chiếu phim để tuyên truyền, cổ động về sự kiện, quan tâm đến những vùng sâu, vùng xa nhằm tạo không khí phấn khởi, thi đua lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
3.2. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ( mồng 10 tháng 3 âm lịch )
a. Nội dung tuyên truyền
- Tuyên truyền truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là truyền thống đoàn kết, nhân ái, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; các giá trị lịch sử, văn hoá của khu di tích Đền Hùng; những phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước.
- Tuyên truyền những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Cổ vũ các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc, chung sức, đồng lòng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Tại Phú Thọ: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ dâng hương.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có di tích, đền thờ Vua Hùng tổ chức dâng hương tưởng niệm. Nghi thức tưởng niệm thực hiện thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
3.3. Kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014)
a. Nội dung tuyên truyền
- Khẳng định tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Truyền thống anh dũng, quật cường, mưu trí, sáng tạo và ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất đất nước của dân tộc; tôn vinh và tri ân những đóng góp, cống hiến to lớn của các tầng lớp nhân dân Việt Nam và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
- Nêu bật những thành tựu vĩ đại sau 39 năm ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế; khẳng định sự kế thừa, phát huy tinh thần “quyết thắng” và nắm bắt thời cơ trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
- Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới, nhất là đối với việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, chống các thông tin, quan điểm sai trái và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước không tổ chức Lễ kỷ niệm.
- Tại Hà Nội: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và đại diện lãnh đạo các ban, ngành của thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố viếng các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hồ Chí Minh.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tùy theo điều kiện có thể tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống, gặp mặt quân nhân, hành hương về nguồn; các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”…
- Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng của Trung ương và địa phương; thông qua các hội nghị nội bộ, sinh hoạt chính trị - xã hội; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
3.4. Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014 )
a. Nội dung tuyên truyền
- Tiếp tục tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế; nêu bật tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân Việt Nam và thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Khẳng định ý nghĩa, giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phê phán, đấu tranh với các thông tin, quan điểm xuyên tạc, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh và giá trị, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Tuyên truyền các gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cổ vũ, động viên văn nghệ sỹ, trí thức và các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Trung ương và tỉnh, thành phố không tổ chức Lễ kỷ niệm.
- Tại Hà Nội: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động này.
- Tại Nghệ An: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường 19 tháng 5 thành phố Vinh và Khu di tích lịch sử Kim Liên, huyện Nam Đàn.
- Các địa phương có di tích, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, thông qua các hội nghị nội bộ, sinh hoạt chính trị - xã hội… nhằm thúc đẩy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
3.5. Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2014) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2014)
a. Nội dung tuyên truyền
- Tuyên truyền về bối cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả, nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
- Những thành quả vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong 69 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; khẳng định sự kế thừa, vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám và các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
- Tuyên truyền Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; giáo dục ý thức tham gia xây dựng chính quyền, thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ công dân và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Trung ương và tỉnh, thành phố không tổ chức lễ kỷ niệm nhưng tổ chức các kỷ niệm bằng các hình thức phù hợp với điều kiện của đất nước, địa phương.
- Tại Hà Nội, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động này.
- Bộ Ngoại giao tổ chức cho Đoàn Ngoại giao và Trưởng Đại diện của các tổ chức quốc tế tại Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Tuỳ theo điều kiện cụ thể để tổ chức các hoạt động kỷ niệm thích hợp như: hội thảo, tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử, thăm di tích cách mạng, thăm hỏi các gia đình, đối tượng chính sách, giúp đỡ các địa phương, gia đình gặp khó khăn, nhất là ở vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa … Các hoạt động kỷ niệm này cần gắn với các sự kiện lớn diễn ra tại địa phương.
+ Đẩy mạnh các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực; biểu dương nhân rộng gương người tốt, việc tốt, điển hình, nhân tố mới.
+ Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản sách, tạp chí, thông tin nội bộ; tổ chức hội thảo khoa học, các buổi nói chuyện truyền thống lịch sử, sinh hoạt chính trị - xã hội, phim ảnh, triển lãm, các hội diễn văn nghệ, thi đấu thể dục - thể thao, hành hương về nguồn, tham quan di tích lịch sử, cách mạng. Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu.
3.6. Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (28/8/1939 - 28/8/2014)
a. Nội dung tuyên truyền
- Tuyên truyền về sự ra đời, vị trí, vai trò và sự trưởng thành của tổ chức Công đoàn Việt Nam là giai cấp công nhân Việt Nam.
- Khẳng định những đóng góp to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam và giai cấp công nhân Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
- Tập trung tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI; làm rõ chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
- Phát hiện và nhân rộng các mô hình, điển hình nhân tố mới trong công nhân, viên chức, lao động; cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực học tập, lao động và công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
b. Các hoạt động kỷ niệm
Không tổ chức Lễ kỷ niệm theo quy định tại Nghị định số 145/NĐ-CP ngày 29/10/ 2013 của Chính phủ, nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm bằng các hình thức thích hợp như: gặp mặt truyền thống, biểu dương điển hình tiên tiến; đồng thời phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội
- Tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2014 bằng các hình thức phù hợp, gắn với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm 2014.
- Chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền các cơ quan báo, đài, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra công tác tuyên truyền, nhất là nội dung trên các cụm thông tin cổ động, pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền ở các địa phương.
- Tổ chức biên soạn, phát hành sách, tài liệu, đề cương tuyên truyền, giáo dục về các ngày lễ lớn của đất nước; chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan biên soạn tài liệu, phổ biến, giới thiệu những điển hình nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước.
- Chỉ đạo Hội Nhà báo, Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh, thành phố có các hình thức động viên, khích lệ văn nghệ sỹ sáng tác, quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật về truyền thống lịch sử, văn hoá cách mạng, ca ngợi gương người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu giúp cấp uỷ chỉ đạo tổ chức việc nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và công bố các tư liệu, nhân chứng liên quan đến các sự kiện lịch sử lớn của đất nước, địa phương, nhất là về cuộc Cách mạng tháng Tám, các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới đất nước vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm nay và những năm tiếp theo.
2. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động thông tin, cổ động, văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch, triển lãm, điện ảnh… phục vụ nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến trước đây. Có chính sách, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật mới về truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo và quản lý các cơ quan báo chí, truyền thông, đưa tin, tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước bảo đảm kịp thời, đúng định hướng chính trị, tư tưởng.
4. Bộ Ngoại giao phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn phóng viên báo chí nước ngoài tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước; tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức đại diện của Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước kết hợp với tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó trọng tâm tuyên truyền vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Quốc khánh.
5. Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân.
- Tổ chức phát động các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước; vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm lao động, sản xuất và kinh doanh, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
- Hướng dẫn tổ chức tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước gắn với tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận trong tình hình mới” .
- Tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, hội viên; các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, hành hương về nguồn, giao lưu, gặp mặt, nói chuyện truyền thống nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước gắn với các hoạt động của tổ chức.
6. Uỷ ban Toàn quốc các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, Nghệ thuật các tỉnh, thành phố tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân, nhất là giới văn nghệ sỹ, trí thức sáng tác và quảng bá, biễu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.
7. Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo các liên chi hội, chi hội cơ sở tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục; nâng cao trách nhiệm chính trị, trình độ chuyên môn của đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
8. Các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền; chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền cho phong phú, phù hợp và tương xứng với ý nghĩa lịch sử của từng sự kiện, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng cường thời lượng phát sóng các chuyên mục, các chương trình giáo dục truyền thống, lịch sử vào các giờ vàng. Chuẩn bị và tổ chức tốt các buổi truyền hình và phát thanh trực tiếp một số hoạt động lớn.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương chủ động phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương khai thác và chiếu các phim tư liệu về lịch sử.
IV. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1. Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Ngọ!
2. Nhiệt liệt chào mừng 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 - 3/2/2014)!
3. Nhiệt liệt chào mừng 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014)!
4. Nhiệt liệt chào mừng 128 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2014)!
5. Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới!
6. Nhiệt liệt chào mừng 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/ 2014)!
7. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh !
8. Nhiệt liệt chào mừng 60 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014)!
9. Nhiệt liệt chào mừng 69 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2014) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2014)!
10. Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014) và 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2014)!
11. Nhiệt liệt chào mừng 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014)!
12. Nhiệt liệt chào mừng 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về hoà bình ở Việt Nam, Đông Dương (20/7/1954 - 20/7/2014)!
13. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam!
14. Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng!
15. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
16. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
17. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
18. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Theo Thu Hà (ĐCSVN, 10/1/2014).