Chiều 2/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 2/2015. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên - Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì phiên họp báo.
|
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi họp báo (Ảnh:KS) |
Đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 2, người phát ngôn Chính phủ cho biết trong 2 tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và các Chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán. Trong đó nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào; giá cả thị trường trong và sau Tết khá ổn định, không có hiện tượng sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng cao, cho thấy các tín hiệu tốt về tăng tổng cầu. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; công tác cung ứng nguồn nước tưới tiêu được chú trọng, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Về sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất – nhập khẩu hai tháng đầu năm đạt khá; mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định. Vốn ODA và FDI tiếp tục tăng so với cùng kỳ; tình hình thu hút FDI đạt được những tín hiệu tích cực, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện, đời sống của người dân tộc đặc biệt là người có công, hộ nghèo, đồng bảo dân tộc, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường bảo đảm mọi người dân đều được đón Tết đầm ấm, an toàn.
Tại buổi họp báo, đại diện Văn phòng Chính phủ cũng đã trả lời một số nội dung đang được dư luận quan tâm thời gian qua.Trước ý kiến cho rằng cần thay đổi các tập tục theo hướng văn minh hơn và đề nghị huỷ bỏ lễ hội chém lợn ở Làng Ném Thượng (Bắc Ninh) cũng như một số lễ hội tương tự hiện nay. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng lễ hội Làng Ném Thượng nói riêng và lễ hội dân gian nói chung là nghi thức tín ngưỡng, là đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Việc tổ chức lễ hội cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng; đồng thời đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn, loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh. Chính vì vậy, việc thay đổi hay không phải dựa trên cơ sở tiến hành tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp rà soát, hướng dẫn cách thức tổ chức lễ hội và thực hành nghi lễ phù hợp.
Một vấn đề bức xúc khác trong những ngày đầu xuân cũng được đưa ra tại buổi họp báo là tình trạng người dân như chen lấn, xô đẩy, ẩu đả… trong các lễ hội. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết trước trong và sau Tết Nguyên đán, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo để bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.
Đặt câu hỏi về vấn đề an ninh và sở hữu khi chúng ta thực hiện chủ trương bán quyền khai thác một số sân bay cho tư nhân như nhà ga T1- sân bay Nội Bài hay sân bay Phú Quốc. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT)Nguyễn Hồng Trường cho rằng: " Việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là yêu cầu tất yếu của chúng ta. Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ đường bộ mà cả đường sắt, hàng hải, đường không… Chính vì vậy, việc chuyển nhượng khai thác, bán các dự án cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoàn toàn nằm trong kế hoạch của Bộ".
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm, đối với trường hợp nhà ga T1-sân bay Nội Bài, Bộ GTVT hoàn toàn đồng ý chủ trương này nhưng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không xây dựng phương án đấu thầu, nhà thầu nào đáp ứng được tiêu chí đề ra với giá bán hợp lý nhất thì Bộ sẽ nhượng quyền khai thác. Còn với sân bay Phú Quốc, Bộ GTVT đã xây dựng, trình phương án xin Thủ tướng Chính phủ bán toàn bộ sân bay về phần dịch vụ khai thác và một phần đầu tư xây dựng; còn toàn bộ hoạt động quản lý bay, cũng như an ninh quốc phòng đều thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam./.
Nguồn: ĐCSVN/Kim Sơn