19/03/2019 23:23

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên: Biểu dương 224 Già làng tiêu biểu

Ngày 19/3, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Trung ương Hội NCT Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban dân tộc, tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị; đồng chí Đỗ Ngọc Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai; đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về NCT Việt Nam; Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Hội NCT Việt Nam; Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắc Nông; các đồng chí Ban Thường vụ Trung ương Hội và 224 đại biểu Già làng tiêu biểu các dân tộc khu vực Tây Nguyên - những người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết tâm thư gửi Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dự hội nghị.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội

phát biểu chỉ đạo hội nghị

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả, biểu dương Già làng tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên trong 10 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư để tiếp tục nhân rộng, trao truyền những bài học kinh nghiệm tốt, cách làm hay; khẳng định ý nghĩa của việc Già làng ký Quyết tâm thư rất quan trọng trong đóng góp xây dựng, phát triển Tây Nguyên; từ đó càng khẳng định quyết tâm tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò của Già làng trong thực hiện các chủ trương của Đảng giai đoạn tiếp theo.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 3.000 Già làng, Già làng Tây Nguyên đã trải qua hai cuộc kháng chiến, trung thành với lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên, có kinh nghiệm trong cuộc sống, có uy tín trong gia đình và cộng đồng, là trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển cuộc sống mới trong cộng đồng. “Già làng nói - dân làng nghe, Già làng hô - dân làng hưởng ứng, Già làng làm - dân làng làm theo”. Tiếng nói của các Già làng như cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng.

 

Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu khai mạc hội nghị

 

Già làng các dân tộc Tây Nguyên đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Già làng tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào định canh, định cư, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng buôn làng, khu dân cư lành mạnh.

Các Già làng ngày càng khẳng định vai trò của mình là lực lượng nòng cốt, có vai trò rất quan trọng là cầu nối giúp chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào đến với Đảng, Nhà nước. Họ còn tham gia tích cực giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động quần chúng đấu tranh, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, vấn đề đất đai để lôi kéo, kích động nhân dân gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ lương giáo, tổ chức vượt biên trái phép…góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quà các Già làng dự hội nghị

 

Trong phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, Già làng luôn là những hạt nhân, gương mẫu cùng với gia đình, dòng họ mình trong việc thực hiện, từ đó vận động để quần chúng nhân dân làm theo, như tự nguyện hiến đất, để xây dựng công trình công cộng, đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi. Các Già làng vận động nhân dân thực hiện tốt năm nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, thi đua lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Già làng các tỉnh Tây Nguyên góp phần vào sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng ngày càng tốt hơn, góp sức xây dựng các trường tiểu học, trường bán trú đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số; giá trị văn hóa và đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy.

Già làng các dân tộc là chỗ dựa vững chắc và là hạt nhân quan trọng trong các phong trào ở địa phương, gắn kết các đồng bào dân tộc thôn, bon đoàn kết hơn. Già làng còn là nhân tố tích cực tác động đến kết quả các hoạt động phong trào Hội NCT nói chung và làm nòng cốt trong các phong trào địa phương nói riêng, có sức thuyết phục lớn trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

 

Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

trao bức trướng cho Hội NCT 5 tỉnh khu vực Tây nguyên

 

Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền trao Kỷ niệm chương các cá nhân có thành tích xuất sắc

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng trao bằng khen các Già làng tiêu biểu

 

Lãnh đạo Bộ Công an trao bằng khen các Già làng tiêu biểu

 

Đồng chí Đỗ Ngọc Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng,

Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc trao bằng khen các Già làng tiêu biểu


Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đại diện Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên, đại biểu các bộ, ngành đều thể hiện sự đồng tình và tán thành nội dung báo cáo tại hội nghị. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thẳng thắn thảo luận, khẳng định, đánh giá những kết quả đạt được; phân tích những tồn tại, hạn chế; bài học kinh nghiệm và nêu kiến nghị với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương nhằm phát huy tốt nhất vai trò của Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


 

Đại biểu dự hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các Già làng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung; khẳng định trong 10 năm qua, với 5 nội dung quyết tâm thư của các Già làng Tây Nguyên đã trở thành hơi thở cuộc sống, gắn bó với hành động và suy nghĩ của mỗi người con Tây Nguyên, trở thành mục tiêu, động lực trong lao động, học tập và xây dựng Tây Nguyên ngày một giàu, mạnh. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Già làng và NCT các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những lời dạy trong Thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku, tỉnh Gia Lai năm 1946, gắn với nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Đồng thời đề nghị các Già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xoá bỏ mọi tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng... Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng buôn làng bình yên và ngày càng phát triển; tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện bốn không “Không nghe, không tin, không làm theo và không sợ” kẻ xấu xúi giục, kích động. Ngược lại phải tin, phải nghe, làm theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động tại địa phương, cơ sở và các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội NCT Việt Nam phát động. Đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các Già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các Già làng có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các Già làng phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; có tiếng nói, ý kiến đóng góp quý báu trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện ý chí làm chủ của nhân dân, là cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm. Quan tâm thu hút đầu tư phát triển kinh tế, trong đó nghiên cứu để có cơ chế phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, tăng cường dạy nghề, giải quyết việc làm, thu hút lao động người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các doanh nghiệp; động viên, khuyến khích người dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động để tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đồng thời, có giải pháp thiết thực để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, xoá bỏ mọi tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Đại diện Già làng phát biểu tham luận

 

Với tinh thần trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng Khối đại đoàn kết cả Dân tộc Tây Nguyên sẽ luôn được bồi đắp, bền vững, góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, làm cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có ý chí vững vàng, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, dân tộc nào cũng có cán bộ đại diện, phát huy được truyền thống văn hoá tốt đẹp, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch, thực hiện bình đẳng và đoàn kết thực sự giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Tây Nguyên đúng với tâm niệm của các Già làng Tây nguyên đã ghi trong Quyết tâm thư đó là: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đất Tây Nguyên là đất của đất Việt Nam, người Tây Nguyên là người của người Việt Nam, Tây Nguyên vì cả nước, cả nước vì Tây Nguyên.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà đại biểu Già làng các dân tộc 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên; Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam trao bức trướng cho Hội NCT 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên; Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Ủy ban dân tộc, Trung ương Hội NCT trao thưởng và tặng bằng khen 224 Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên; Trung ương Hội NCT Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương các cá nhân có thành tích xuất sắc.

 

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà đại biểu Già làng tiêu biểu; Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam trao bức trướng cho Hội NCT 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên; Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Ủy ban dân tộc, Trung ương Hội NCT trao thưởng và tặng bằng khen 224 Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên; Trung ương Hội NCT Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương các cá nhân có thành tích xuất sắc.