|
V.I. Lê-nin (1870 - 1924). Ảnh tư liệu |
Trung thành và phát triển sáng tạo tư tưởng vũ trang quần chúng bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của C.Mác và Ph.Ăng-ghen trong điều kiện mới; từ thực tiễn công cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền Xô-viết non trẻ, bảo vệ Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới từ sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, V.I. Lê-nin đã bổ sung, phát triển những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, xây dựng nên học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong đó, đã nêu lên những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Khẳng định tính tất yếu khách quan của việc bảo vệ Tổ quốc XHCN, V.I. Lê-nin tuyên bố: “Kể từ ngày 25-10-1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, những cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc XHCN, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xô-viết với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của CNXH” (1) .
V.I. Lê-nin đã đề cập đến mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN là bảo vệ CNXH với tính cách là tổ quốc, bảo vệ Nhà nước Xô-viết non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong điều kiện công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN chủ yếu phải chống lại sự tấn công bằng vũ trang của chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) và các thế lực phản động mưu toan lật đổ nhà nước XHCN, thì phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN là phải tiến hành một cuộc chiến tranh vũ trang để bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đề cập đến lực lượng bảo vệ Tổ quốc XHCN, V.I. Lê-nin đã nhấn mạnh đến lực lượng của quần chúng lao động, của công - nông - binh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự tổ chức, quản lý của chính quyền Xô-viết. V.I. Lê-nin đã chỉ ra sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN là sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần. V.I. Lê-nin đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát huy sức mạnh tinh thần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN, quan tâm đến việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò tổ chức, quản lý của Nhà nước Xô-viết trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN.
V.I. Lê-nin đã đề cập đến khả năng phòng thủ đất nước, đặc biệt là vấn đề xây dựng và củng cố quốc phòng: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”(2) và “Nghĩa vụ tuyệt đối của toàn thể quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước”(3).
Vấn đề tổ chức, xây dựng quân đội kiểu mới, Hồng quân công - nông cũng được V.I. Lê-nin đề cập một cách khẩn trương, nghiêm túc và toàn diện. Chỉ mấy tháng sau Cách mạng Tháng Mười, vào đầu năm 1918, V.I. Lê-nin đã ký sắc lệnh thành lập Hồng quân và Hải quân công - nông. Người đã chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản về xây dựng quân đội kiểu mới, nhất là những vấn đề về bản chất giai cấp, tính chất, chức năng, nhiệm vụ; về những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và xây dựng quân đội.
V.I. Lê-nin đã đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN đi đôi với nhiệm vụ xây dựng CNXH. V.I. Lê-nin viết: “Một khi chúng ta bắt tay vào công cuộc hòa bình kiến thiết của chúng ta, thì chúng ta sẽ đem hết sức mình để tiến hành công cuộc đó không ngừng. Đồng thời,… hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo con ngươi của mắt mình”(4).
Thực tiễn công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN từ sau Cách mạng Tháng Mười ở các nước XHCN đã khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng của học thuyết V.I. Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN. Những tư tưởng cơ bản trong học thuyết của V.I. Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN không những có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa hiện thực tiếp tục chỉ đạo công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay.
Trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo học thuyết của V.I. Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN, trong quá trình lãnh đạo công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN trên miền Bắc từ năm 1954 và trên cả nước từ sau mùa Xuân 1975, Đảng ta đã đề ra đường lối chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đúng đắn, sáng tạo và đã triển khai tổ chức thực hiện đem lại những thành tựu to lớn, toàn diện, bảo đảm cho Tổ quốc Việt Nam XHCN được bảo vệ vững chắc.
Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN tiếp tục diễn ra trong bối cảnh mới: “Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. So với 10 năm trước, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi sâu sắc, có những diễn biến phức tạp mới… Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh kết quả, thành tựu đã đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, làm xuất hiện những vấn đề phức tạp mới ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.
Trong những điều kiện đó, chúng ta phải tiếp tục trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết của V.I. Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN phù hợp với điều kiện mới. Phải tiếp tục khẳng định những vấn đề rất cơ bản về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN; kết hợp phương thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh phi vũ trang để bảo vệ Tổ quốc; tổ chức và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc. “Làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”. Phát huy sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh của truyền thống và hiện đại; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư duy mới. Chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và ngày càng hiện đại; xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt là xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò tổ chức, quản lý, điều hành của Nhà nước XHCN, của các tổ chức chính trị - xã hội và tính tích cực chính trị, tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mọi người dân Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, cả người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam đang định cư, sinh sống và làm việc ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc trong công cuộc xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới, biến những tư tưởng của V.I. Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN thành sức mạnh hiện thực trên đất nước ta.
Nguồn: Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Vĩnh Thắng, Báo QĐND/ ĐCSVN, 22/4/2014
----------------------------------
(1) V.I. Lê-nin, toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ M.1981, tr.102.
(2) V.I. Lê-nin, toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ M.1981, tr.480 - 481.
(3) V.I. Lê-nin, toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ M.1981, tr.153.
(4) V.I. Lê-nin, toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ M. 1981, tr.368.