05/01/2015 03:24

Công tác Tuyên giáo góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Năm 2014, cùng với việc tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong cách làm nhằm đưa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2014, các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố đã cho biết cụ thể về những điểm nổi bật, những điểm mới được thực hiện trong năm qua.

 


Đồng chí Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy

Cần Thơ. (Ảnh: HH)

Tuyên truyền gắn với nêu gương cụ thể

Năm 2014, cả nước bước sang năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ đã kịp thời tham mưu Thành ủy triển khai thực hiện Chỉ thị ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa lớn. Cùng với việc triển khai các chuyên đề hằng năm, tuyên giáo các cấp đã có nhiều cách làm sáng tạo, có tác dụng tích cực và hiệu quả thực tế, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, học và làm theo Bác từ những việc giản dị nhất trong cuộc sống đời thường, nhưng lại mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nhiều tấm gương nông dân chân chất hay những người lao động cần cù, chịu khó, những công nhân, kỹ sư sáng tạo… học Bác về đức tính cần cù, giản dị, tiết kiệm, yêu thương con người… được tuyên dương. Qua đó có tác dụng nêu gương tốt, tạo sức thuyết phục trong cuộc sống.

Đồng chí Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ cho biết, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã linh hoạt, sáng tạo trong việc vận dụng các hình thức phù hợp để triển khai việc học và làm theo Bác. Đồng thời, duy trì tốt việc tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5. Đặc biệt, từ cấp thành phố đến cơ sở thống nhất chủ trương là tập trung khen thưởng, tôn vinh các tấm gương trong nhân dân và đồng bào tôn giáo, dân tộc.

Cũng trong năm qua, công tác tuyên giáo trên địa bàn tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện theo hướng đổi mới và có bước đột phá. Ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động tham mưu cấp ủy tổ chức triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và địa phương. Trong đó, tập trung triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp… với kết quả học tập, quán triệt đạt trên 98% cán bộ, đảng viên tham dự.

Đồng chí Trần Việt Trường cho biết, điểm mới trong tổ chức thực hiện công tác này là cấp ủy đảng các địa phương, đơn vị đã tổ chức được các lớp “vét” (ngoài kế hoạch) dành cho các đồng chí cán bộ, đảng viên vì điều kiện học tập, công tác, ốm đau chưa tham gia nghiên cứu, học tập tại các lớp trước; qua đó, số lượng và chất lượng nghiên cứu, học tập từng bước được nâng lên.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức triển khai, quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh.

 
Đồng chí Bùi Quang Huy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai.
                                 (Ảnh: HH)

Đồng chí Bùi Quang Huy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, đến nay, hoạt động KH&CN của tỉnh Đồng Nai đã đóng góp ngày càng rõ nét vào việc nâng cao năng suất, chất lượng một số cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hoá chủ yếu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, chuẩn bị các luận cứ khoa học cho các quyết định của cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh đang triển khai các đề tài, dự án phục vụ cho công tác chọn lọc công nghệ, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện của tỉnh Đồng Nai, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Tỉnh cũng đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; đưa công nghệ thông tin về vùng sâu, vùng xa. Nhiều đề tài, giải pháp được nghiên cứu ứng dụng, đem lại hiệu quả thiết thực và đã đạt các giải thưởng quốc gia và quốc tế. Đồng Nai cũng đang tập trung xây dựng các module của mô hình văn phòng điện tử di động phục vụ mục tiêu cải cách hành chính của tỉnh; tiến hành triển khai nghiên cứu, điều tra tổng hợp nguồn tài nguyên trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp khoa học nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên…

Nhờ sự tác động mạnh mẽ của KH&CN, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và tính năng động trong xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được nâng lên đáng kể. KH&CN đã và đang đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới

Năm 2014, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, giúp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa và tác dụng của chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào thi đua. Đồng chí Nguyễn Giờ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định cho biết, năm qua, tỉnh đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế để nâng cao đời sống nhân dân, Tỉnh tập trung xây dựng các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), tạo sự phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế, an sinh xã hội.

Cấp ủy nhiều nơi đã chỉ đạo đưa nội dung thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền vận động nhân dân chung tay, chung sức xây dựng nông thôn mới, đã tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân. Kết quả, nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến gần 170.000 m2 đất, đóng góp trên 40 tỷ đồng, gần 73.000 ngày công; tu bổ và sửa chữa gần 52.000 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, tỉnh Bình Định đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 55 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 36 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và 4 xã đạt từ 1 - 5 tiêu chí.

Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên việc chỉ đạo giải phóng mặt bằng đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhường lại mặt bằng sạch cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 1 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp, 38 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 30.000 lao động. Hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng. Lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,08 triệu lượt, tăng 23%. Hạ tầng du lịch không ngừng được đầu tư nâng cấp; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng.

Góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số

Đồng chí Trần Đức Vương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu cho biết, là tỉnh có 20 dân tộc anh em sinh sống nên kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian hết sức phong phú, đặc sắc. Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa độc đáo riêng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, muôn màu rực rỡ. Hàng năm, tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai, nhân rộng các hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc của các dân tộc trong tỉnh như: Lễ hội Nàng Han, Then Kin Pang của người Thái; Lễ hội Gầu tào, Tạ ơn của người Mông; Lễ hội Tủ Cải  của người Dao, lễ hội Bun Vốc Nặm của người Lào Lự... Những lễ hội đó đã và đang được duy trì, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa từng dân tộc. Những ngày cuối tháng 12/2014, tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ nhất tại Lai Châu.

Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng dự án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng trong cộng đồng các dân tộc. Để giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động tuyên truyền với nhiều cách làm sáng tạo, đa dạng, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, đối tượng làm công tác tuyên truyền phải am hiểu phong tục, tập quán, tâm lý của đồng bào vùng dân tộc, phải có chuyên môn nghiệp vụ; nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với nhận thức của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Cùng với việc có nhiều chính sách, biện pháp giữ gìn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa của các dân tộc, tỉnh luôn tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Tỉnh đã tập trung đầu tư, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống; các làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Bên cạnh đó, tỉnh có chế hỗ trợ, tôn vinh đối với các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống, có công trong việc bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đồng chí Trần Đức Vương khẳng định, trong thời gian tới, Lai Châu tiếp tục phát triển văn hóa theo hướng vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, vừa loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, lỗi thời trong đời sống văn hóa của nhân dân. Cùng với đó là phải tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa của tỉnh. Từ đó, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước trên lĩnh vực văn hóa./.

Nguồn: ĐCSVN/Hiền Nguyễn