Tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời, vô cùng quý báu và là nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Từ truyền thống đó, nhân dân ta đã lưu truyền những câu tục ngữ, ca dao: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”.
|
Chúc mừng thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. (Ảnh: Báo TP)
|
Lịch sử giáo dục của dân tộc ta mãi mãi ghi danh những người thầy tiêu biểu, tỏa sáng cho đến hôm nay như: thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Nguyễn Đình Chiểu, thầy Nguyễn Tất Thành... Những người thầy mẫu mực đó đã để lại những tấm gương sáng về đạo làm thầy, không màng danh lợi, hết lòng để đào tạo bao thế hệ học trò, phò đời giúp nước, làm rạng rỡ non sông.
Truyền thống tôn sư trọng đạo còn thể hiện ở một phong tục tốt đẹp: Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, tết đến, ông bà, cha mẹ thường nhắc nhở con cháu đi chúc tết, nhớ lấy điều: “Mùng một tết Cha, Mùng hai tết Mẹ, Mùng ba tết Thầy”. Trong không khí vui xuân, đón tết, mọi người cũng không quên dành cho những người thầy sự quan tâm nồng ấm nhất. Truyền thống tôn sư trọng đạo, đến hôm nay vẫn được nhân dân và bao thế hệ học trò nâng niu, gìn giữ và phát huy.
Vào dịp 20/11, hằng năm, các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị, các tầng lớp nhân dân và các thế hệ học trò lại tổ chức thăm hỏi, động viên, quan tâm, trao đổi với các thầy giáo về sự nghiệp giáo dục. Những ngày này, cũng là dịp cả xã hội động viên, cổ vũ các nhà giáo vượt lên mọi khó khăn, nêu cao trách nhiệm làm tốt sứ mệnh “trồng người” vẻ vang của mình.
Trong điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thầy cô giáo. Có biết bao tấm gương của các thầy cô giáo vượt lên mọi khó khăn, nhất là ở những vùng biên cương, hải đảo, tất cả vì học sinh thân yêu. Có những thầy cô còn dùng một phần lương của mình giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mua giấy bút, quần áo để tiếp tục đến trường. Nhiều thầy cô sinh ra và lớn lên ở các thành phố lớn đã tình nguyện " cắm bản", đến dạy học những nơi vùng sâu, vùng xa...
Nhớ lại những năm kháng chiến ác liệt nhất để thống nhất đất nước, thầy cô giáo đội mũ rơm cùng học sinh đến trường, học trong hầm trú ẩn, khó khăn thiếu thốn đủ bề, nhưng thực hiện lời dạy của Bác Hồ vẫn thi đua dạy tốt – học tốt.
Ai cũng có những kỷ niệm không bao giờ quên về những người thầy của mình. Nhớ những lúc trốn học, quên sách bị thầy mắng, làm được việc tốt thì thầy khen. Khi rời ghế nhà trường vào dịp 20/11 đến thăm thầy được nhắc lại việc xưa, sao mà nồng ấm, thân thương! Vẫn biết, thời gian không bao giờ trở lại, giá mà được trở lại những ngày cắp sách đến trường!
Ở đâu đó vẫn còn chuyện không vui về một số thầy cô giáo, nhưng tuyệt đại đa số các thầy cô giáo vẫn là tấm gương trong để các thế hệ học sinh noi theo.
Đất nước đang trong tiến trình xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Sự nghiệp đó đang đặt lên vai các thầy cô giáo, giáo dục, đào tạo cho đất nước một nguồn nhân lực chất lượng cao. Công lao của các thầy cô giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc là vô cùng to lớn.
Chúng ta đang nỗ lực thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Hướng đi đã rõ nhưng còn ngổn ngang bao việc phải làm, nhưng với sự quyết tâm của hệ thống chính trị mà nòng cốt là ngành giáo dục đào tạo và các thầy cô giáo, nhất định sẽ thu được nhiều thắng lợi.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi và các thế hệ học trò cảm ơn công lao dạy dỗ của các thầy cô giáo.
Xin gửi đến các thầy cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
(Nguồn: ĐCSVN/20/11/2014, Đào Ngọc Tân)