Tuyên bố Kuala Lumpur về Già hóa dân số năm 2015 “Thúc đẩy Quyền của người cao tuổi trong khối ASEAN”

 

Nhận thức được thách thức cũng như cơ hội  của già hóa dân số, tại cuộc họp các quan chức cấp cao về Phúc lợi xã hội và Phát triển lần thứ 10 (SOMSWD) hồi tháng 11/ 2014 tại Viên Chăn, Lào. Malaysia đã chủ động đề xuất xây dựng Tuyên bố khu vực ASEAN về già hóa với chủ đề Thúc đẩy Quyền của người cao tuổi trong khối ASEAN”. Tại cuộc họp này, bản dự thảo đầu tiên đã được trình lên để xin ý kiến của các nước thành viên. Sau khi đã đóng góp ý kiến, bản dự thảo được chuyển đến cho Ban Thư ký của ASEAN và phía Malaysia xem xét. Sau khi tiếp tục chỉnh sửa, bản dự thảo đã được Hội đồng Văn hóa xã hội cộng đồng ASEAN (ASCC) chấp thuận và đưa vào nội dung Tuyên bố của các Bộ trưởng (họp lần thứ 13 vào ngày 26/ 3/ 2015 tại Melaka, Malaysia). Tại cuộc họp các quan chức cấp cao SOMSWD lần thứ 11 vào tháng 9 năm 2015 và cuộc họp của Hội đồng ASCC vào tháng 10/ 2015, bản Tuyên bố chung đã được thông qua lần cuối. Văn bản này đã được các quan chức đứng đầu các Chính phủ trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN  chính thức phê chuẩn tại cuộc họp lần thứ 27 ngày 18-22/ 11/2015 tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.     

Nội dung Tuyên bố Kuala Lumpur về Già hóa dân số: Thúc đẩy Quyền của Người cao tuổi trong khối ASEAN

Chúng tôi, những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN), bao gồm Brunây Darusalam, Vương quốc Cămpuchia, Cộng hòa Inđônêsia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, Cộng hòa Liên bang Myanma, Cộng hòa Philippin, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia tuyên bố:

Tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, một cộng đồng hòa nhập, bền vững, tự cường và năng động;

Tuân thủ Hiến chương ASEAN đã nêu rõ mục đích của ASEAN là tăng cường phúc lợi và sinh kế của người dân các nước ASEAN bằng cách cung cấp cho họ quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội phát triển con người, an sinh xã hội và công bằng;

Nhấn mạnh rằng dân số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên ở ASEAN dự kiến sẽ tăng từ 59,5 triệu người trong 2015 đến 127 triệu người vào năm 2035, tạo ra những cơ hội và thách thức to lớn dẫn đến những tác động sâu sắc trong xã hội của chúng ta;

Nhắc lại lời kêu gọi của 2 cuộc họp thế giới về NCT vào năm 1982 và 2002, kết luận của Hội đồng y tế thế giới 58.16 về thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và chủ động (2005), cũng như các cuộc họp khu vực tái khẳng định việc thông qua Kế hoạch hành động quốc tế Viên về người cao tuổi (1982), các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về người cao tuổi (1991), Kế hoạch hành động Macao về người cao tuổi ở Châu Á Thái Bình Dương (1999), Kế hoạch Hành động Quốc tế Mađrit về người cao tuổi (2002), và Chiến lược thực hiện khu vực Thượng Hải về người cao tuổi (2002); Công ước 1958 chống phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) (Số 111); và Điều khoản khuyến nghị việc làm 1982 (số 166);

Nhắc lại các cam kết chung của ASEAN trong Tuyên bố Bali về cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu (Bali Concord III, 2011); Tuyên bố Brunây về Tăng cường vai trò của gia đình: Chăm sóc người cao tuổi (2010); Tuyên bố Bali về tăng cường vai trò và sự tham gia của người khuyết tật trong cộng đồng ASEAN (2011); Tuyên bố về Nhân quyền ASEAN (2012); Tuyên ngôn về thập kỷ ASEAN của người khuyết tật 2011-2020: Hướng tới xã hội hòa nhập (2011); Tuyên bố chung ASEAN và Lộ trình xây dựng về các thành tựu của các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trong ASEAN (2009); Tuyên bố ASEAN về đẩy mạnh Bảo trợ xã hội (2013), cũng như các chương trình làm việc của các cơ quan chuyên ngành của ASEAN;

Ghi nhận các cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN thực hiện Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD), và các văn kiện quốc tế liên quan khác mà các nước thành viên ASEAN là thành viên tham gia;

Công nhận rằng việc tăng dân số cao tuổi sẽ đòi hỏi sự thích nghi của hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội nhằm đáp ứng những thách thức cấp bách;

Nhận thức rằng việc thúc đẩy quá trình già hóa lành mạnh, tích cực và hiệu quả trong một môi trường thuận lợi và hỗ trợ là chìa khóa cho sự hạnh phúc của những người cao tuổi cũng như các thành viên trong gia đình, cộng đồng và xã hội với vai trò và trách nhiệm với bản thân, với mọi người và các quốc gia.

Do đó, chúng tôi xin cam kết:

Đẩy mạnh các hành động cụ thể sau đây hướng tới việc thúc đẩy các vấn đề liên quan tới quyền của người cao tuổi trong Luật pháp, chính sách và chương trình quốc gia của các thành viên ASEAN;

1. Tăng cường cách tiếp cận chia sẻ trách nhiệm trong việc chuẩn bị cho quá trình già hóa lành mạnh, năng động và hiệu quả bằng cách hỗ trợ các gia đình, người chăm sóc/nhân viên chăm sóc và tạo điều kiện cho cộng đồng trong việc chăm sóc cho người cao tuổi;

2. Tăng cường cách tiếp cận liên thế hệ hướng tới một xã hội cho mọi lứa tuổi bằng cách nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền, các vấn đề và những thách thức của tuổi già và già hóa dân số;

3. Tăng cường cách tiếp cận dựa trên quyền/nhu cầu, cuộc sống và hạn chế mọi hình thức ngược đãi tuổi già và giới bằng cách tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ công, tăng thu nhập, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tiếp cận thông tin cơ bản, cũng như các biện pháp phòng chống, bảo vệ bằng pháp lý và hệ thống hỗ trợ hiệu quả;

4. Lồng ghép các vấn đề về già hóa dân số trong các chính sách công và các chương trình, kế hoạch phát triển quốc gia bao gồm cả độ tuổi nghỉ hưu linh hoạt và chính sách việc làm;

5. Phát triển nguồn nhân lực và chuyên môn trong lão khoa, khoa lão và các hình thức cung cấp chăm sóc sức khỏe cũng như nhân lực có liên quan khác để đáp ứng các nhu cầu về các dịch vụ y tế xã hội hiện tại và tương lai cho người cao tuổi;

6. Thúc đẩy sự phát triển thông tin đáng tin cậy, xây dựng dữ liệu dựa trên bằng chứng, có phân biệt giới về già hóa dân số, nâng cao năng lực để hoàn thiện các thiếu sót trong chính sách, nghiên cứu và thực tế;

7. Nâng cao năng lực của các Ban ngành và cơ quan Chính phủ, đoàn thể, tổ chức xã hội dân sự, kể cả các tổ chức phúc lợi tự nguyện, cộng đồng, gia đình và các bên liên quan khác để phối hợp tốt hơn và hiệu quả trong việc đưa ra các dịch vụ có chất lượng cho người cao tuổi ở cấp địa phương, quốc gia và khu vực;

8. Khuyến khích phát triển Hội Người cao tuổi và các hình thức tổ chức khác của người cao tuổi như câu lạc bộ người cao tuổi, mạng lưới tình nguyện viên tại mỗi nước thành viên ASEAN bằng cách nâng cao năng lực và tạo điều kiện tư cách pháp lý để có thể kiến nghị, đối thoại với chính phủ về các vấn đề của người cao tuổi;

9. Phát triển các cộng đồng/thành phố thân thiện với người cao tuổi trong khu vực bằng cách xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bền vững và dễ tiếp cận;

10. Xây dựng, củng cố mạng lưới và quan hệ đối tác trong và giữa các nước thành viên ASEAN cũng như với các cơ quan của Liên Hợp Quốc, với tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác trong việc hỗ trợ và cung cấp đủ nguồn lực và thực hiện hiệu quả các cam kết được phản ánh trong tuyên bố này.

Phân công Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phúc lợi và phát triển xã hội (AMMSWD), với sự hỗ trợ của cuộc họp các chuyên gia cấp cao về phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD) để điều phối và phối hợp với những lĩnh vực liên quan để bảo vệ Quyền của người cao tuổi và để xây dựng Kế hoạch Hành động khu vực về già hóa dân số nhằm thực hiện Tuyên bố này.

Tuyên bố này được thông qua tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 21 tháng 11 năm 2015, với một bản gốc duy nhất bằng tiếng Anh