Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, người dân nước bạn Lào lại lặn lội sang các bản làng thuộc tuyến Lìa để hòa chung tiếng hát, uống ché rượu xuân. Thói quen ấy đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp, giúp bà con ở hai bên biên giới thêm đoàn kết, yêu thương và quý trọng nhau hơn.
Mùa xuân, bản làng vùng cao như khoác chiếc áo mới. Dọc tuyến đường Lìa, những ngôi nhà sàn san sát mọc lên, được tô quét sạch đẹp. Trong nắng xuân, tiếng nói cười của đồng bào vùng cao thêm phần giòn tan, rộn rã. Năm nay, người Vân Kiều, Pa Kô đón tết no ấm hơn nhờ được mùa sắn, chuối, ai cũng mong thật nhiều khách quý ghé nhà để cùng sẻ chia niềm vui đầu năm. Có lẽ vì thế nên những lời mời thăm tết được chuyển đi xa, rộng hơn, vượt qua bên kia biên giới.
|
Người dân bản Xy Ra Man mổ trâu thết đãi các vị khách quý |
Đến bản Xy Ra Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nghe câu chào “Xa bai đi! Xa bai đi” từ các vị khách từ nước bạn Lào. Hỏi ra mới biết, bản Xy Ra Man kết nghĩa với bản Ổi (Mường Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào) nhiều năm nay. Chỉ cách dòng Sê Pôn nên bà con thường xuyên qua lại thăm thân, động viên, giúp đỡ nhau. Đến hẹn lại lên, trước tết, già làng, trưởng bản Xy Ra Man gửi lời mời người dân nước bạn sang chung vui. “Được lời như cởi tấm lòng”, bà con ở bản kết nghĩa đối diện bên kia biên giới đều vui mừng. Ai cũng mong ngày tháng trong lịch hẹn đến thật nhanh.
Ngay ngày đầu năm, nhiều người dân bản Ổi đã ăn vận chỉnh tề để sang nước bạn chúc tết. Đón khách quý từ chân nhà sàn, già làng Hồ Ray vồn vã mời chào. Rượu cần, xôi nếp, thịt gà... đã chuẩn bị sẵn. Họ cùng nhau quây quần, ăn uống, trò chuyện và ca hát. Cuộc vui càng xôm tụ khi người dân Lào ở các bản làng xa xôi hơn cũng đến. Sau đó, vị già làng tiếp tục giới thiệu khách phương xa thăm, chúc tết những gia đình khác trong bản. Đi đến đâu, người dân nước bạn Lào cũng nhận được sự đón tiếp thịnh tình. “Chúng tôi có cảm giác như được trở về nhà sau nhiều năm xa cách vậy”, một phụ nữ bản Ổi tâm sự.
Vào dịp Tết Nguyên đán, bất cứ ai đến thăm nhà người Vân Kiều, Pa Kô đều là khách quý của bà con. Vì vậy, khá nhiều gia đình đã quyết định mổ trâu, lợn, dê... để thết đãi khách. Ở bản Troan Ô, xã Xy, huyện Hướng Hóa, gia đình Pả Chon có nhiều vị khách ghé thăm nhất. Đang nấu những món ăn truyền thống, Pả Chon vui vẻ cho biết: “Đến giờ, nhà mình đón gần 20 người bạn đến từ nước Lào rồi. Có người băng rừng, vượt suối cả ngày mới đến được đây. Mình mới mổ con bò, chế biến món ăn để đãi khách đấy”. Như một quy định bất thành văn, nhà nhà, người người ở bản Troan Ô đều dành những món ăn ngon nhất dành cho khách phương xa. Đặc biệt, bà con còn xếp lịch cúng Trời vào đúng thời điểm tổ chức Tết Nguyên đán nên không khí bản làng thêm phần vui tươi, nhộn nhịp.
|
Pả Chon dành tặng món quà nhỏ cho người dân nước bạn Lào |
Mặc dù mang quốc tịch khác nhau nhưng nhiều hộ dân ở tuyến Lìa, huyện Hướng Hóa và các bản làng thuộc nước bạn Lào có chung gốc gác. Bên cạnh đó, chương trình kết nghĩa bản- bản đối diện hai bên biên giới đã giúp bà con gắn bó, gần gũi nhau hơn. Thế nên, mỗi khi nước bạn diễn ra sự kiện đặc biệt nào đó, người dân bên kia biên giới đều sang thăm hỏi. Trong số các vị khách nước bạn đến xã Xy chúc tết năm nay, anh Hồ A Bô và Hồ Văn May (trú tại bản Tà Dồng, Mường Nòng, tỉnh Savannakhet, Lào) là hai trong số những người vượt quãng đường xa ngái nhất.
Vượt qua hàng chục đèo dốc, họ mới đến bản Troan Ô. Anh Hồ Văn May chia sẻ: “Mong muốn gặp gỡ người dân nước bạn và tìm hiểu về phong tục đón Tết Nguyên đán giúp mình đi mãi mà chẳng thấy mệt”. Anh May cho biết thêm, thời điểm này, người dân nước anh đang khá bận rộn với mùa vụ. Thế nhưng, ai cũng cố gắng thu xếp thời gian để sang chung vui không khí Tết Nguyên đán Việt Nam. Những ngày qua, câu cửa miệng của người dân các bản làng thuộc nước bạn Lào, đặc biệt ở khu vực biên giới là: “Có sang chúc Tết Việt Nam không? Đi cùng ai? Bằng phương tiện gì?”.
Ngoài mong muốn thắt chặt mối thâm giao, người dân nước bạn Lào còn háo hức tìm hiểu các phong tục, tập quán liên quan đến Tết Nguyên đán của Việt Nam. Ai cũng ngạc nhiên khi được các già làng nước bạn cho biết, người Vân Kiều, Pa Kô ở tuyến Lìa có đến hai cái tết. Trước kia, dân bản xem lễ mừng lúa mới là cái tết lớn của dân tộc mình. Sau khi thu hoạch mùa vụ, bà con lại mổ trâu bò, nấu rượu cần, gói các loại bánh truyền thống chuẩn bị cho lễ.
Những ngày này, bản làng vui như hội. Ai ai cũng khoác lên mình những bộ trang phục thổ cẩm đẹp nhất và ăn uống, đàn hát thâu đêm. Chính những người dân miền xuôi đã mang không khí Tết Nguyên đán đến với dân bản. Song, buổi đầu, người Vân Kiều, Pa Kô vẫn chưa “bén duyên” với cái tết lớn của dân tộc. Nguyên nhân là do cuộc sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Thường thì chỉ những hộ khá giả mới đủ điều kiện tổ chức đón tết và tiếp khách phương xa.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tuyến Lìa thực sự khởi sắc. Cây chuối, sắn, cao su... đã giúp kinh tế nhiều gia đình đi lên. Cuộc sống đủ đầy góp phần hướng sự quan tâm của bà con đến Tết Nguyên đán. Cũng từ đó, dân bản dần quen với các phong tục đi kèm như: Mừng tuổi, xông đất, hái lộc, thờ cúng tổ tiên... Về phần mình, sau những cái tết lần đầu tham dự đầy bỡ ngỡ, nhiều người dân nước bạn Lào cũng đã thông tỏ phong tục, tập quán ngày tết của người Việt Nam. Thậm chí, họ còn cẩn thận chuẩn bị những món quà giản dị, tiền mừng tuổi đầu năm... để biếu tặng gia chủ.
Trong lòng những vị khách Lào, ấn tượng lớn nhất về Tết Nguyên đán ở tuyến Lìa chính là sự hiếu khách của người dân nước bạn. Từng nhiều lần sang Việt Nam buôn bán, Pả A Bay, trú tại bản La Háp, huyện Tà Ổi, tỉnh Salavan rất mong có dịp đón tết với người dân nước bạn. Thế nên, nhận được lời mời, Pả A Bay đã tức tốc tay xách, tay mang sang Việt Nam. Anh hồn nhiên chia sẻ: “Chủ nhà người Việt đã dặn mình không cần phải mang gì theo, thế nhưng, mình cứ sợ... đói. Qua đây, thấy nhà bạn đã làm thịt bò treo thành từng xâu, bánh luộc sẵn, rượu đầy chum... mới thấy mình lo quá xa. Tết Việt vui hơn rất nhiều so với sức tưởng tượng của mình. Năm sau, mình sẽ đưa cả vợ con sang đây thăm và chúc tết”.
Cũng chính bởi lòng hiếu khách của người dân Việt Nam ở tuyến Lìa mà nhiều vị khách Lào nán lại đến một, hai ngày. Ngần ấy thời gian, họ có điều kiện học thêm những câu giao tiếp đơn giản bằng tiếng nước bạn; thăm thú đây đó; hàn huyên, tâm sự về mối thâm giao hai dân tộc. Thế rồi, giữa những người khác quốc tịch, sợi dây nghĩa tình như được thắt chặt, bền vững hơn.
Sau những ngày vui xuân, đón tết ở tuyến Lìa, người dân nước bạn Lào lại trở về quê hương. Phút chia tay bịn rịn, khách và chủ trao nhau cái ôm thật chặt. Họ hẹn ước về ngày hạnh ngộ để cùng nhau đón một cái tết ấm tình hữu nghị Việt - Lào.
Bài&ảnh: Quang Hiệp, Baoquangtri.vn, 6/2/2014.