Vừa qua, tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội đã diễn ra lễ tiếp nhận tài trợ đồ dùng bảo hộ cá nhân phòng, chống dịch Covid-19 cho NCT. Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) bàn giao các thiết bị bảo hộ và đồ dùng vệ sinh cá nhân cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội NCT Việt Nam và Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI). Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự “Hỗ trợ các tổ chức Việt Nam trong ứng phó và phòng ngừa Covid-19 cho NCT”.
Đại diện các bên giao nhận thiết bị phòng hộ cá nhân phòng chống Covid-19
Chương trình nhằm hỗ trợ những nhân viên, tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe và nhân viên chăm sóc xã hội đang làm nhiệm vụ chăm sóc cho NCT, nhằm bảo đảm khả năng sẵn sàng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Thiết bị bảo hộ cá nhân sẽ được chuyển tới các Trung tâm Bảo trợ Xã hội và các nhân viên, tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ bùng phát dịch cao như Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Kí kết bàn giao và tiếp nhận
Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara cho biết: Covid-19 đang đặt ra cho chúng ta những thách thức đầy cam go, làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của NCT. Tỉ lệ tử vong do Covid-19 ở NCT cao hơn, và tỉ lệ này ở người trên 80 tuổi cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu. Vì vậy, NCT cần phải được coi là một ưu tiên trong ứng phó với dịch bệnh, nhằm bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển chung.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HAI cho rằng: Đại dịch vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường. Mặc dù Việt Nam đang kiểm soát rất tốt tình hình, nhưng nguy cơ dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Trong số 35 người tử vong do dịch bệnh ở Việt Nam, có đến 22 người (gần 63%) là NCT từ 60 tuổi trở lên. Đó là do phần lớn NCT Việt Nam có bệnh nền, trong khi thu nhập của NCT còn hạn chế, với chỉ 42% NCT có một hình thức hỗ trợ xã hội nào đó, và tỉ lệ nghèo ở NCT cao gấp đôi tỉ lệ nghèo trung bình của cả nước. Như vậy, rõ ràng NCT gặp khó khăn hơn trong phòng ngừa và đối phó với Covid-19 và có nhu cầu được hỗ trợ rất lớn, nhất là những NCT nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế tại Việt Nam phát biểu
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà đánh giá cao sự hỗ trợ từ UNFPA cũng như tổ chức HAI, khẳng định: Bảo đảm sức khỏe cho người dân, đặc biệt là việc cung cấp các hỗ trợ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết cho NCT là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Đội ngũ nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc NCT cũng cần được bảo vệ, được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân.
Cũng theo bà Trần Bích Thủy, Dự án “Hỗ trợ các tổ chức Việt Nam trong ứng phó và phòng ngừa Covid-19 cho NCT”do Tổ chức HAI và Hội NCT Việt Nam phối hợp thực hiện với sự tài trợ của UNFPA, là dự án đầu tiên và duy nhất ở thời điểm này tại Việt Nam tập trung vào vấn đề phòng chống Covid-19 cho NCT. Dự án thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều địa phương có nguy cơ cao sau đợt dịch bùng phát giữa năm 2020, tập trung vào 3 mảng hoạt động chính, bao gồm nâng cao năng lực cho Hội NCT cơ sở và các CLB LTHTGN thông qua tập huấn về phòng chống Covid-19 và phục hồi sau đại dịch; xây dựng và phân phát các tài liệu truyền thông gồm các tờ rơi, sổ tay và video hướng dẫn dành cho cả NCT lẫn người chăm sóc; hỗ trợ các đồ dùng bảo hộ cá nhân thiết thực.
Bên cạnh các vật dụng do UNFPA trực tiếp mua như khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn, thì UNFPA còn hỗ trợ 550 chai dung dịch sát khuẩn tay loại to và 4.296 chai loại nhỏ, 230 máy đo thân nhiệt cho một số Trung tâm Bảo trợ Xã hội trên địa bàn TP Hà Nội và các CLB LTHTGN…