| Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 130; thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ và Cộng hòa Italia từ ngày 16 - 22/3/2014. (Ảnh: TTXVN) |
Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Chủ tịch Hạ viện Liên bang Thụy Sỹ và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Italia, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu sẽ tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 130; thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ và Cộng hòa Italia từ ngày 16 - 22/3/2014. Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm tại IPU Được thành lập từ năm 1889 tại Paris và có trụ sở tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ, Liên minh Nghị viện Thế giới là một tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với hơn 160 thành viên và 9 thành viên liên kết (tính đến tháng 10 năm 2012), Liên minh Nghị viện Thế giới là trung tâm của hoạt động ngoại giao nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc và nghị viện các nước. Mục tiêu của Liên minh Nghị viện Thế giới nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các nghị viện và nghị sỹ từ tất cả các nước; tham vấn các vấn đề về lợi ích quốc tế và bày tỏ quan điểm về từng vấn đề với mục tiêu đề xuất hành động đối với các Nghị viện và các thành viên. Liên minh Nghị viện Thế giới cũng đóng góp vào việc bảo vệ và nâng cao nhân quyền trên toàn thế giới, một yếu tố thiết yếu cho nền dân chủ nghị viện và sự phát triển; đóng góp cho việc nâng cao nhận thức và tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại nghị. Liên minh Nghị viện Thế giới có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc và các tổ chức liên nghị viện khu vực cũng như các tổ chức quốc tế, tổ chức liên minh chính phủ và phi chính phủ khác. Các chương trình và hoạt động của Liên minh Nghị viện Thế giới tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động chính gồm: Tăng cường nền dân chủ đại diện; thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu; đẩy mạnh phát triển bền vững. Sớm nhận thức được sự cần thiết phải tăng cường quan hệ nghị viện với các nước trên thế giới, góp phần nâng cao vai trò quốc tế của Việt Nam, từ khi gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới vào tháng 4/1979, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của Liên minh Nghị viện Thế giới. Kết hợp với các hoạt động thường niên tại Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Quốc hội Việt Nam đã tạo một thế đứng vững vàng trên kênh nghị viện đa phương, cả ở khu vực và trên phạm vi toàn thế giới. Đại diện của Quốc hội Việt Nam đã nhiều lần được bầu là đại diện của Nhóm địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương tham dự Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Thế giới. Dù ở cương vị nào, Quốc hội Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế, đóng góp quan trọng vào thành công của nền ngoại giao nghị viện nói riêng và ngoại giao nhà nước của Việt Nam. Quan hệ Việt Nam - Thụy Sỹ phát triển trên nhiều lĩnh vực Những năm gần đây, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ đã có những bước phát triển vượt bậc, nhất là kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo số liệu báo cáo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Thụy Sỹ năm 2013 đạt 700,3 triệu USD. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ tuy đã bắt đầu trải rộng (trên 300 mặt hàng), nhưng kim ngạch vẫn tập trung chủ yếu vào những mặt hàng quen thuộc như: Giày dép, cà phê, dệt may, sản phẩm túi xách, ô dù và đồ dùng nội thất. Việt Nam nhập khẩu từ Thụy Sỹ các mặt hàng như: Kim loại quý, máy móc, thiết bị, phụ tùng, hóa chất, tân dược, sản phẩm và nguyên liệu chất dẻo phục vụ cho sản xuất và gia công hàng hóa trong nước. Về đầu tư, Thụy Sỹ đứng thứ 18 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Hiện có khoảng 90 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động ở Việt Nam và có mặt ở 12 địa phương. Về hợp tác phát triển, Việt Nam là 1 trong 8 nước được Thụy Sỹ ưu tiên dành viện trợ phát triển. Cho đến nay, tổng giá trị viện trợ phát triển của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam đạt khoảng 360 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Môi trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển đô thị, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn. Tháng 9/2013, Thụy Sỹ công bố Chiến lược hợp tác phát triển mới với Việt Nam giai đoạn 2013 - 2016, trong đó tăng mạnh ngân sách hỗ trợ cho Việt Nam lên khoảng 136 triệu USD. Nhìn chung, các dự án ODA của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam được đánh giá là có hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng ở Việt Nam... Thụy Sỹ nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao. Hiện nay, khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học ở Thụy Sỹ. Thụy Sỹ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh. Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đào tạo trong chuyến thăm Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2010. Về văn hóa - du lịch, hai nước đã có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa tại mỗi nước. Số lượng khách du lịch Thụy Sỹ vào Việt Nam tương đối ổn định. Về khoa học - kỹ thuật, hai nước đã ký Hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, triển khai Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam - Thụy Sỹ về sở hữu trí tuệ.
Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Italia Việt Nam và Cộng hòa Italia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu những năm 90 được củng cố và phát triển rõ nét. Ngày 21/1/2013, Việt Nam và Italia đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, nhân chuyến thăm Italia cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường Italia là: Giày dép, thủy sản, cà phê, hàng dệt may. Việt Nam nhập từ Italia chủ yếu là máy móc thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải và nguyên liệu da. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8/2013, Italia đứng thứ 29 trên tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 50 dự án đầu tư, tổng số vốn là 257,42 triệu USD, chủ yếu trong các ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng... Một số tập đoàn sản xuất lớn của Italia đã thiết lập quan hệ hợp tác và bước đầu có được một số kết quả quan trọng tại Việt Nam như: Perfetti (sản xuất kẹo), bình nóng lạnh Ariston, dự án nhà máy đạm Phú Mỹ... Công ty Piaggio đã đầu tư 70 triệu USD để xây dựng tại Vĩnh Phúc 2 nhà máy sản xuất xe máy Vespa và động cơ xe máy không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Về hợp tác phát triển, Italia bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam vào những năm 80 dưới các hình thức cho vay ưu đãi, viện trợ khẩn cấp, viện trợ không hoàn lại song phương hoặc thông qua các tổ chức quốc tế. Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa Italia và Việt Nam gồm: Cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế... Hai bên đã tái khởi động hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác phát triển Việt Nam - Italia để thông qua một số dự án trong các lĩnh vực: Y tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong giai đoạn 2013 - 2015, Italia đã cam kết tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam. Italia cũng đã nhiều lần viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam như khắc phục hậu quả bão lụt, dịch cúm gia cầm... Hằng năm, Bộ Ngoại giao Italia dành cho Việt Nam một số học bổng cho các khóa học tiếng Italia và cao học, mở các khóa dạy tiếng Italia tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ Italia phối hợp với UNESCO giúp đỡ Việt Nam trùng tu khu di tích Mỹ Sơn, đồng thời giúp đào tạo và trang bị kiến thức về bảo tồn di sản văn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế cho cán bộ khảo cổ học, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn và cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, hai bên thường xuyên tổ chức các tuần lễ văn hóa tại Italia và Việt Nam, theo đó nổi lên là các liên hoan văn hóa Việt Nam “Rồng và Bướm” tại Roma, Năm văn hóa Italia tại Việt Nam mang tên “Cầu vồng Ý” với hơn 40 hoạt động văn hóa (4 - 10/2007) và Chương trình văn hóa Ý - Việt 2011 với chủ đề “Văn hóa và doanh nghiệp Italia - Việt Nam”... Hai nước cũng đã tổ chức thành công sự kiện Năm Việt Nam tại Italia và Năm Italia tại Việt Nam 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2013)./. |