Ngày 8/7/2014 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Báo cáo cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn khiêm tốn và tiếp tục dưới mức tiềm năng.
Theo WB, Kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát giảm, cải thiện tài khoản đối ngoại và ổn định thị trường ngoại hối. Tăng trưởng GDP năm 2014 dự báo ở mức khiêm tốn khoảng 5,4%, do có sự hỗ trợ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo vẫn mạnh. Tuy vậy, bên cạnh đó, cầu trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao, dư địa tài khoá bị thu hẹp.
|
Ảnh minh hoạ (Nguồn: chinhphu.vn) |
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi phải đẩy mạnh quan tâm đến những cải cách cơ cấu – tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước đồng thời xoá bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2014 dự báo ở mức 5,4% vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn do cầu trong nước còn yếu. Còn triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Mặc dù viễn cảnh trước mắt có thể thuận lợi, nhưng hiện đang tồn tại những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Chậm trễ về tiến độ cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước có thể kéo dài giai đoạn tăng trưởng dưới mức tiềm năng và tạo ra những động thái ngày càng bất lợi, có thể dẫn đến nghĩa vụ nợ dự phòng lớn trong khu vực công, khiến cho nợ công tăng đến các mức không còn bền vững. Sự căng thẳng kéo dài về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực cũng làm trầm trọng thêm rủi ro bất lợi.
Theo báo cáo, về tổng thể, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng nhanh với tỷ lệ tăng khiêm tốn về bất bình đẳng thu nhập theo thời gian. Thu nhập của nhóm 40% có thu nhập thấp nhất tăng 9% mỗi năm trong hơn 2 thập kỷ qua đến năm 2012 là dẫn chứng điển hình về sự chia sẻ thịnh vượng.
Ông Gabriel Demombynes, một trong các tác giả của báo cáo chia sẻ, quan ngại chung về bất bình đằng và nhu cầu cần có phản ứng chính sách trước hiện tượng này sẽ có xu hướng tăng lên theo thời gian khi ngày càng nhiều người dân Việt Nam chuyển đến các thành phố và có thể chứng kiến sự khác biệt dễ thấy về phúc lợi xã hội. Hiện đã có những nhu cầu đáng kể trong các chính sách xã hội phân phối lại để thu hẹp bất bình đẳng ở Việt Nam, và nhu cầu này có xu hướng sẽ duy trì và gia tăng khi Việt Nam tiếp tục quá trình đô thị hóa./.
Nguồn: ĐCSVN, 8/7/2014, Đặng Hiếu