Ngày 28/8/2014, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Ngoại giao – Ban Quản lý Dự án “Nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đến năm 2020” và Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Hội nghị “Thực trạng và giải pháp nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế vùng dân tộc thiểu số”.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Báo cáo chuyên đề tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Tư – Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc khẳng định, hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, đã và đang tác động tích cực đến vùng dân tộc thiểu số nước ta. Đồng tình với nhận định này, tham luận của đại diện các Bộ, ngành Trung ương và Ban Dân tộc 14 tỉnh đã đi sâu phân tích những khó khăn, trở ngại trong vấn đề hội nhập quốc tế của đồng bào dân tộc thiểu số. Trên lĩnh vực xã hội, quá trình hội nhập quốc tế đặt ra thách thức nan giải trong việc thực hiện chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Những thách thức đối với công tác giảm nghèo hiện nay ở vùng dân tộc thiểu số là khoảng cách ngày càng tăng về trình độ phát triển của đa số các nhóm dân tộc thiểu số so với mức trung bình của cả nước; tình trạng dễ bị bỏ lại phía sau của nhiều hộ nghèo do thiếu hoặc không có đất sản xuất. Mặt khác, phát triển khai khoáng, thủy điện, khai thác rừng… ở vùng miền núi đã dẫn đến nguy cơ đồng bào mất đất sản xuất. Về văn hóa, quá trình hội nhập tạo điều kiện cho các dân tộc có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhau nhưng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc, xâm nhập những giá trị văn hóa ngoại lai. Nhu cầu hội nhập quốc tế để được học hỏi, trao đổi nâng cao trình độ, năng lực của dân tộc thiểu số là chính đáng nhưng việc hội nhập, giao lưu của dân tộc thiểu số nếu không được quản lý tốt sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài rất dễ nảy sinh và lây lan trong cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam, đặc biệt là về đạo đức, lối sống…
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận thức và phát triển là hai yếu tố song hành với nhau, có tác động lẫn nhau. Vì vậy nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế cần được thực hiện song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Bà Nguyễn Nguyệt Nga – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, Bộ Ngoại giao nêu rõ: Hội nhập quốc tế là vấn đề mới, nhưng rất lớn, rất gần và mang tính lâu dài đối với cả nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Để hội nhập quốc tế thành công, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, cán bộ xã và trưởng thôn, bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hội nhập quốc tế; đồng thời phát triển nguồn nhân lực đáng ứng yêu cầu của quá trình hội nhập.
Kết luận Hội nghị, TS. Hoàng Xuân Lương – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng qua Hội nghị này sẽ góp phần thống nhất nhận thức chung về đối ngoại và hội nhập quốc tế, xây dựng chính sách cụ thể dành cho đồng bào dân tộc thiểu số – một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của nước ta trong giai đoạn mới./.
Nguồn: ĐCSVN, 28/8/2014/ Phương Liên