30/07/2014 07:22

Di cư dân số và ảnh hưởng tới sự phát triển an sinh của trẻ

Theo báo cáo của Quỹ Trẻ em của Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 23/6/2014, khoảng 21%  (hơn 3 triệu) trẻ em Thái Lan đang phải sống xa cha mẹ do họ phải đi làm ăn xa. Điều này có tác động lâu dài tới sự phát triển và an sinh của trẻ.




90% số trẻ xa cha mẹ được chăm sóc bởi NCT

Cũng theo kết quả khảo sát nhóm (MICS) năm 2012 được tiến hành bởi cơ quan thống kê quốc gia do UNICEF hỗ trợ thì chỉ tính riêng khu vực Đông bắc Thái Lan, con số trẻ em không được sống cùng cha mẹ do họ phải rời quê hương đi làm ăn xa đến các thành phố, khu vực khác trong nước lên tới 30%, tức là cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ không nhận được sự chăm sóc từ cha mẹ.

Ông Andrew Claypole- Giám đốc Vụ các chính sách xã hội của UNICEF tại Thái Lan đã phát biểu tại hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu giai đoạn một về tác động của tình trạng di cư dân số tới  sự phát triển của trẻ em là “Đó là một tỷ lệ rất cao và đáng lo ngại nếu so sánh với các nước khác”. Hầu hết người Thái Lan cho rằng việc ông bà hoặc một thành viên khác trong gia đình chăm sóc những đứa trẻ tại gia đình là bình thường khi họ phải đi làm ăn xa. Hiện tượng di cư ở Thái Lan rất phổ biến và cao hơn một số nước khác cũng được điều tra trong khu vực.

Cũng theo báo cáo của MICS năm 2012, ở Lào chỉ có 5% trẻ không sống cùng cha mẹ, ở VN là 4,4%, Costa Rica 3,4%, và Nigeria là 6,5%

Một điều tra, nghiên cứu khác về “Tác động của di cư dân số đến phát triển an sinh của trẻ em: nghiên cứu dọc kết hợp nhiều phương pháp khác” do Viện dân số và các chinh sách xã hội (IPSR) thuộc trường Đại học danh tiếng Mahidol với sự hỗ trợ của tổ chức UNICEF tiến hành từ năm 2013. Nghiên cứu đã chọn trên 1000 trẻ trong độ từ 0-3 tuổi đang sống hoặc không sống cùng cha mẹ để đánh giá những tác động lâu dài tới sự phát triển an sinh của trẻ khi mà chúng không nhận được sự quan tâm chăm sóc thường xuyên từ cha mẹ. Đây là nghiên cứu dài hạn đầu tiên nhằm đánh giá tác động lâu dài của tình trạng di cư/làm ăn xa đến sự phát triển của trẻ cũng như ảnh hưởng tới những người chăm sóc trẻ, bao gồm cả sức khỏe tinh thần và kinh tế gia đình.

Theo thông báo về kết quả nghiên cứu năm đầu tiên của giáo sư Aree Jampaklay “có tới 90%  số trẻ sống xa cha mẹ đang sống cùng ông bà, trong khi hầu hết ông bà chỉ học hết tiểu học” và “36% người chăm sóc chính, (hầu hết là ông/bà) đều có vấn đề về sức khỏe”

Kết quả nghiên cứu trong giai đoạn đầu cho thấy 25% số trẻ không được sống cùng cha mẹ có vấn đề về phát triển (trong khi đó, đối với trẻ sống cùng cha mẹ thì tỷ lệ này là 16%). Trẻ em thiếu sự chăm sóc của cha mẹ bị tụt hậu trong nhiều khía cạnh của sự phát triển, đặc biệt là về phát triển ngôn ngữ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở những gia đình có người cha đi làm ăn xa thì có khoảng 40% không có tiền gửi về trong 6 tháng đầu, và 30% không có bất kỳ liên lạc nào với con của họ cũng như với những người chăm sóc con cái họ.

Nghiên cứu trên của Viện IPSR sẽ làm tăng nhận thức về tác động tiêu cực của việc di dân nội bộ tới sự phát triển của trẻ em. Nó cũng sẽ giúp xác định được các chi phí của bố mẹ, gia đình để chăm sóc xã hội và sức khỏe tinh thần cho trẻ trong thời gian dài họ đi làm ăn xa”.

IPSR sẽ tiếp tục nghiên cứu này với trên 1000 trẻ trong 2 năm tới và sẽ công báo kết quả cuối cùng vào năm 2016.

 

Nguồn bài nghiên cứu: http://www.unicef.org/media/media_73914.html.

 

Người dịch Xuân Đảng
(Ban Đối ngoại TW Hội)