Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 (được tổ chức ở Bru-nây, tháng 10-2013), các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra tuyên bố về xây dựng Tầm nhìn sau 2015 cho Cộng đồng ASEAN. Hội đồng Điều phối ASEAN gồm Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên được giao triển khai xây dựng các thành tố chính của Tầm nhìn sau 2015, trình lên lãnh đạo cấp cao ASEAN xem xét trong năm 2014.
Các nước ASEAN ( Ảnh minh hoạ /Nguồn:GS. Nguyễn Lân Dũng
vinhphucdost.gov.vn)
Nội dung cụ thể của Tầm nhìn sẽ được hoàn thiện và báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 vào cuối năm 2015 (1). Với việc Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức đi vào hiện thực từ ngày 31-12-2015, hoạch định Tầm nhìn sau 2015 có ý nghĩa quan trọng nhằm đề ra các bước phát triển mới cho ASEAN trong giai đoạn bước vào Cộng đồng.
Một tầm nhìn xuyên suốt 46 năm
Nhìn lại quá trình phát triển suốt 46 năm qua, ASEAN luôn vạch ra tầm nhìn hoặc định hướng cho từng giai đoạn, từ Tuyên bố Băng Cốc năm 1967 đến Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Ba-li I) năm 1976, từ Tầm nhìn ASEAN 2020 năm 1997 đến Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Ba-li II) năm 2003, từ bản Hiến chương ASEAN năm 2007 đến Lộ trình xây dựng Cộng đồng 2009, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Ba-li III) năm 2011... Mỗi giai đoạn được gắn với một mục tiêu và nội dung cụ thể, nhưng tầm nhìn vẫn luôn xuyên suốt, bảo đảm sự tiếp nối và phát triển liên tục của ASEAN. Trong Tầm nhìn ASEAN 2020, ý tưởng xây dựng một cộng đồng “hòa hợp các dân tộc ở Đông Nam Á, rộng mở, chung sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng, gắn kết với nhau trong quan hệ đối tác phát triển năng động và trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”(2) đang dần được ASEAN cụ thể hóa qua nỗ lực xây dựng Cộng đồng dựa trên 3 trụ cột chính trị an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, có quan hệ rộng mở với bên ngoài, sẽ thành hình vào năm 2015. Bản Hiến chương ASEAN được ký kết năm 2007, có hiệu lực từ năm 2008, văn kiện nền tảng quan trọng nhất của Hiệp hội, đã xác định rõ tầm nhìn tổng thể và toàn diện cho ASEAN, chỉ ra những mục tiêu dài hạn mà ASEAN cần hướng đến, cũng như các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo hoạt động của tổ chức này về lâu dài. Theo đó, “ASEAN sẽ là một tổ chức liên chính phủ”, hoạt động vì mục tiêu “duy trì và tăng cường hòa bình, an ninh và ổn định... ở khu vực”, “thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn về chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội”, “tăng cường phúc lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng một ASEAN hướng về người dân”, “duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN như động lực chính trong quan hệ với các đối tác bên ngoài và trong cấu trúc khu vực...”. Tư tưởng chỉ đạo nêu trong Hiến chương ASEAN tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, do yêu cầu đòi hỏi mới khi đi vào Cộng đồng, việc xây dựng Tầm nhìn sau 2015 là cần thiết, nhằm xác định các bước đi mà ASEAN cần thực hiện trong giai đoạn sau mốc hình thành Cộng đồng, tiếp nối cho Lộ trình 2009 - 2015, và tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu lớn đã đề ra trong Tầm nhìn 2020 và Hiến chương ASEAN.
Khởi động một tầm nhìn mới
Tính đến tháng 1-2013, ASEAN đã triển khai được gần 80% các nội dung đề ra trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng giai đoạn 2009 - 2015 (3). Thời gian 2 năm tới sẽ là giai đoạn ASEAN tăng tốc để hoàn thành khối lượng công việc còn lại vào đúng ngày 31-12 -2015. Tuy vậy, không có nghĩa là mục tiêu xây dựng Cộng đồng của ASEAN đã hoàn tất. ASEAN khẳng định xây dựng Cộng đồng là một tiến trình mở, và mốc năm 2015 chỉ là điểm khởi đầu. Do vậy, sau năm 2015, nhiệm vụ đầu tiên đặt ra với ASEAN sẽ là xây dựng một lộ trình hợp tác mới cho giai đoạn 5 năm đến 10 năm sau 2015. Kể từ khi quyết định xây dựng Cộng đồng năm 2003, ASEAN đã xây dựng và triển khai 2 chương trình hợp tác nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng, cho giai đoạn 2004 - 2009 (Chương trình Hành động Viên-chăn) và 2009 - 2015 (Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN). Lộ trình mới sau 2015 sẽ cần bảo đảm kế thừa và phát triển các nội dung hợp tác đã có trong các chương trình và kế hoạch trước đó, cụ thể là của Lộ trình xây dựng Cộng đồng 2009 - 2015. Theo đó, tầm nhìn sau 2015 mà ASEAN xây dựng sẽ cần nêu ra những định hướng lớn và quan trọng để trên cơ sở đó, được ASEAN cụ thể hóa thành các đầu việc cụ thể trong lộ trình hợp tác mới. Những định hướng này, về cơ bản, sẽ không nằm ngoài những mục tiêu dài hạn đã được thống nhất trong Tầm nhìn ASEAN 2020 và Hiến chương ASEAN.
Trong quá trình soạn thảo Hiến chương ASEAN những năm 2005 - 2006, các nước thành viên đã tiến hành trao đổi khá sâu về mục tiêu dài hạn và bước phát triển tiếp theo của ASEAN sau Cộng đồng. Nhiều ý tưởng mới, táo bạo đã từng được đề cập, trong đó có việc hướng tới hình thành Liên hiệp ASEAN như một hình thức liên kết cao hơn sau khi đạt mục tiêu Cộng đồng, hay xây dựng liên minh thuế quan, đồng tiền chung của ASEAN theo mô hình của Liên minh châu Âu (EU),... Tuy nhiên, quan điểm cuối cùng được ASEAN thống nhất vẫn là duy trì bản chất của ASEAN như một tổ chức hợp tác liên chính phủ, chưa trở thành một tổ chức siêu quốc gia, mục tiêu ưu tiên vẫn là tập trung xây dựng thành công Cộng đồng, bảo đảm duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tăng cường liên kết kinh tế và ứng phó với các thách thức nảy sinh, phát huy vai trò trung tâm trong các tiến trình hợp tác khu vực. Các mục tiêu này sẽ vẫn được ASEAN theo đuổi sau năm 2015, và tầm nhìn mới sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện một số mục tiêu rộng hơn nhằm đáp ứng yêu cầu liên kết và phát triển cao hơn của ASEAN khi bước vào Cộng đồng mà không làm thay đổi bản chất và tôn chỉ, mục đích hoạt động đã được Hiến chương xác định.
Quá trình xây dựng Tầm nhìn sau 2015 chỉ vừa được ASEAN khởi động từ tháng 10-2013. Hiện ASEAN đang trong quá trình lập Nhóm công tác chuyên trách trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN để bắt tay vào xây dựng các thành tố chính của Tầm nhìn theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao. Một số nước thành viên đã sơ bộ chia sẻ ý tưởng và mong muốn của mình để đóng góp cho việc xây dựng Tầm nhìn. Tổng thống In-đô-nê-xi-a nêu mục tiêu “Tăng gấp đôi GDP, giảm một nửa đói nghèo” cho ASEAN, song song với việc thúc đẩy một vị thế toàn cầu cho ASEAN, vươn ra ngoài phạm vi khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Ma-lai-xi-a đưa ra kịch bản sau năm 2015 cho ASEAN sẽ là tiến tới liên kết sâu rộng hơn về cả chính trị, kinh tế, xã hội; tiếp tục là khu vực phát triển năng động về kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu; tuân thủ cách tiếp cận “pháp trị” tôn trọng các quy định, luật lệ; và giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực,... Một số nước khác tuy chưa đưa ra quan điểm về tầm nhìn sau năm 2015 của ASEAN, nhưng đã chia sẻ về những vấn đề lớn mà ASEAN cần giải quyết sau khi hình thành Cộng đồng như việc Xin-ga-po nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tiến bộ máy và đổi mới phương thức làm việc của ASEAN. Năm 2013 khi ASEAN đưa ra quyết định xây dựng Tầm nhìn sau năm 2015 cho Cộng đồng cũng trùng vào thời điểm 5 năm đánh giá lại việc triển khai Hiến chương ASEAN. Chắc chắn rằng quá trình đánh giá Hiến chương sẽ cung cấp những cơ sở quan trọng cho việc xây dựng một Tầm nhìn sau năm 2015 cho ASEAN.
Nhiệm vụ đặt ra sau năm 2015
Dựa trên những mục tiêu xuyên suốt mà ASEAN vẫn theo đuổi được đề cập trong Tầm nhìn 2020 và Hiến chương ASEAN, cũng như trên nền tảng những nỗ lực liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng đang triển khai, có thể sơ bộ hình dung những nhiệm vụ chính mà ASEAN cần thực hiện sau khi hình thành Cộng đồng bao gồm:
Về chính trị - an ninh, ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Đây là quan tâm và lợi ích chung của tất cả các nước thành viên ASEAN, được các đối tác có quan hệ với ASEAN, kể cả các nước lớn cùng chia sẻ. Bối cảnh quốc tế và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở một khu vực có sự hiện diện và đan xen lợi ích của nhiều quốc gia như Đông Á và Thái Bình Dương. Để thực hiện được vai trò này, ASEAN trước hết cần tiếp tục duy trì sự gắn kết chính trị chặt chẽ trong nội khối, giữ vững sự đoàn kết và thống nhất trên các vấn đề lớn có tác động đến an ninh và phát triển chung của Hiệp hội. Hơn nữa, ASEAN cần khẳng định được sức sống và vị thế của các khuôn khổ hợp tác ở khu vực, như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+),... Đây chính là cách thức đã và tiếp tục phát huy tác dụng trong việc gắn kết các đối tác, nhất là các nước lớn, một cách có trách nhiệm vào các nỗ lực duy trì đối thoại, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột ở khu vực. Song song với đó là việc đề cao các chuẩn mực ứng xử chung mà các nước cùng cam kết tôn trọng trong khu vực, tạo nên những ranh giới ràng buộc để hạn chế các hành vi dẫn đến nguy cơ xung đột, kể cả ở những “điểm nóng” tiềm tàng.
Khi đã trở thành Cộng đồng, ASEAN được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò chủ động và tích cực hơn trong xử lý các thách thức an ninh nảy sinh ở khu vực. Do đó, ASEAN cần duy trì tiếng nói thống nhất, nỗ lực xây dựng những công cụ hữu hiệu hơn trong việc dự phòng, ngăn ngừa rủi ro và tham gia giải quyết một cách trách nhiệm, trên tinh thần xây dựng các vấn đề an ninh, kể cả nhạy cảm liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của một số quốc gia thành viên nhưng có tác động chung đến cả khu vực. Trên cơ sở lòng tin được củng cố, ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng - an ninh và ứng phó tốt hơn với các thách thức an ninh xuyên quốc gia, như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển,...
Về kinh tế, thực lực của Cộng đồng ASEAN sẽ gắn chặt với thành công của liên kết về kinh tế. Do đó, sau năm 2015, ASEAN cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu hoàn thiện một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó các luồng trao đổi thương mại, dịch vụ và đầu tư sẽ được tự do hóa hoàn toàn; từng bước mở cửa cả những lĩnh vực nhạy cảm, như thị trường tài chính - ngân hàng, thị trường lao động (không chỉ lao động có tay nghề), vận tải hàng không; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nói riêng và các nền kinh tế ASEAN nói chung. Trong bối cảnh mới khi thế giới đang có xu hướng chia nhỏ các phân khúc sản xuất để gia tăng lợi thế cạnh tranh, ASEAN cần có tính toán phù hợp để phát huy lợi thế trên những lĩnh vực có thế mạnh nhằm tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.
Tăng cường kết nối, nhất là về kết cấu hạ tầng sẽ tiếp tục là ưu tiên quan trọng của ASEAN để tạo nền tảng thuận lợi cho liên kết kinh tế khu vực. Trên cơ sở Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), sau năm 2015, ASEAN sẽ cần đẩy mạnh kết nối rộng hơn ở khu vực Đông Á, thông qua các khuôn khổ kết nối ASEAN+3 và EAS. Các nỗ lực thúc đẩy kết nối cần được gắn chặt với việc triển khai các thỏa thuận thương mại tự do (FTA ASEAN+1) với các đối tác cũng như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đưa ASEAN trở thành trung tâm gắn kết các vòng cung liên kết kinh tế ở Đông Á. Cùng với đẩy nhanh liên kết kinh tế, yêu cầu thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển đồng đều, bền vững sẽ tiếp tục được đề cao sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành (Theo đánh giá của nguyên Thủ tướng Ma-lai-xi-a Ma-ha-thia Mô-ha-mét, đến năm 2015, vẫn còn không ít các nước thành viên chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc mở rộng liên kết kinh tế khu vực do những điều kiện chênh lệch về trình độ phát triển) (4).
Về văn hóa - xã hội, để đưa ASEAN trở thành một cộng đồng thực sự hướng về người dân, ASEAN sẽ cần phải phấn đấu rất nhiều nhằm thúc đẩy hợp tác trên trụ cột gắn chặt với cuộc sống và phúc lợi của người dân. Trước hết, các nước thành viên cần hướng tới hình thành những chuẩn mực chung của khu vực trong bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân. Khả năng ứng phó của ASEAN trong các tình huống đe dọa đến an toàn cuộc sống người dân, như thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu,... cần phải được củng cố và phát huy hữu hiệu hơn nữa. Vai trò này của ASEAN cho tới nay còn khá mờ nhạt và nếu không thể hiện được năng lực này, người dân sẽ không thể cảm nhận được giá trị và lợi ích mà Cộng đồng ASEAN đem lại cho họ. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, qua đó, hình thành một ý thức cộng đồng, một bản sắc khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đã bước vào Cộng đồng, người dân, chủ thể của Cộng đồng đó, trước hết phải ý thức được về “cảm nhận Cộng đồng” và có trách nhiệm tham gia đóng góp, xây dựng cho chính Cộng đồng mà họ là thành viên.
Một Cộng đồng ASEAN rộng mở, hướng ra bên ngoài sau năm 2015 sẽ cần phát huy vai trò chủ động và tích cực hơn nữa trong việc định hình và thúc đẩy cấu trúc hợp tác ở khu vực. Các khuôn khổ hợp tác do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như đã đề cập ở phần đầu cần phục vụ tốt nhất cho việc cụ thể hóa các mục tiêu an ninh và phát triển của ASEAN. Vai trò trung tâm của ASEAN được thực hiện thông qua việc củng cố vai trò dẫn dắt của mình tại các cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng, thúc đẩy việc xác lập các “luật chơi” được thừa nhận rộng rãi trong khu vực để điều chỉnh hành vi và quan hệ của các quốc gia, gắn kết chặt chẽ các cơ chế của ASEAN với các diễn đàn hợp tác đa phương khác ở khu vực. Tiếng nói và lập trường của ASEAN cần được lắng nghe và tôn trọng đối với các vấn đề chung của khu vực, đặc biệt là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các nước thành viên ASEAN. Tư duy truyền thống theo kiểu “đối tác tài trợ - nhận tài trợ” mà ASEAN duy trì với các đối tác suốt một thời gian dài đến sau 2015 sẽ cần được thay bằng cách tiếp cận cân bằng hơn theo mô hình “đối tác cùng có lợi”. Tuy chưa tham vọng tạo lập một vị thế toàn cầu, ASEAN sẽ cần thể hiện một vai trò, một hình ảnh tích cực, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề quốc tế và khu vực thuộc quan tâm chung. Trở thành Cộng đồng đòi hỏi ASEAN điều phối lập trường và phối hợp tốt hơn tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, cũng như thống nhất trong quan hệ với các đối tác, nhất là các nước lớn.
Về bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động, cơ bản sau năm 2015 ASEAN vẫn tiếp tục duy trì bộ máy tổ chức và cách thức vận hành như đã quy định tại Hiến chương. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của bộ máy sau 5 năm Hiến chương có hiệu lực đã bộc lộ một số hạn chế mà ASEAN cần điều chỉnh, như số lượng các cuộc họp không những không giảm đi mà còn tăng hơn so với trước đây do hệ quả của việc lập thêm nhiều cơ quan mới; các thỏa thuận, quyết định vẫn chưa có cơ chế giám sát thực thi đủ mạnh; công tác điều phối, gắn kết giữa các ngành/lĩnh vực trong từng trụ cột cũng như giữa 3 trụ cột với nhau chưa nhịp nhàng; vai trò của nước Chủ tịch còn một số tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong Hiến chương,... Tất cả những vấn đề này sẽ cần được xử lý thỏa đáng trong quá trình đánh giá lại Hiến chương cũng như khi xây dựng Tầm nhìn sau năm 2015 cho Cộng đồng. Về bản chất, các nước thành viên sẽ chưa muốn bộ máy của ASEAN được thể chế hóa chặt chẽ theo mô hình siêu quốc gia kiểu EU, và muốn duy trì một mức độ linh hoạt nhất định để phù hợp với thực tế của khu vực. Điều quan trọng là bộ máy ấy phải vận hành trôi chảy và hiệu quả, không tạo sức ép cho các nước thành viên, nhưng cũng phải đáp ứng được yêu cầu liên kết gia tăng của tổ chức. Phương thức hoạt động chủ đạo của ASEAN sẽ tiếp tục dựa trên tham vấn, đồng thuận nhưng sẽ theo hướng đồng thuận linh hoạt, để có thể kịp thời ứng phó với các vấn đề nảy sinh.
Còn 2 năm nữa để ASEAN xây dựng và hoàn thiện Tầm nhìn sau 2015 cho Cộng đồng. Nhiều ý tưởng và đề xuất mới sẽ tiếp tục được các nước thành viên bổ sung, đóng góp cho lộ trình phát triển mới của ASEAN. Cộng đồng ASEAN sau 2015 chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu và định hướng lớn đã có của ASEAN, với các nội hàm chủ đạo là đưa ASEAN trở thành một cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm xã hội, thực sự hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm và hoạt động theo luật lệ”(5) như các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định trong Tuyên bố Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015. Với tầm nhìn ấy, ASEAN sẽ không ngừng phấn đấu để các quốc gia thành viên và người dân trong khu vực Đông Nam Á luôn được sống trong hòa bình, thịnh vượng và gắn bó chặt chẽ với nhau trong các xã hội đùm bọc và chia sẻ./.
------------------------------------
(1). Theo Tuyên bố Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015
(2). Tầm nhìn ASEAN 2020, phần mở đầu
(3). Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23, (Bru-nây, tháng 10-2013)
(4). Trả lời phỏng vấn Báo The Nation (Thái Lan, tháng 9-2013)
(5). Tuyên bố Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015
Tôn Thị Ngọc HươngBộ Ngoại giao
(Nguồn: TCCSĐT, 6/2/2014).