Những sự kiện nổi bật của Hội NCT Việt Nam qua các kì Đại hội

TS Đàm Hữu Đắc

Phó Chủ tịch Thường trực TW Hội NCT Việt Nam

 

Ngay từ những năm tháng nước nhà chưa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ vị trí, vai trò của NCT. Trong thư "Kính cáo đồng bào", Người khẳng định: "Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ của đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì... Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui"...

Kì 1: Những ngày đầu tiên

Ngày 21/9/1945, chỉ sau 19 ngày đọc "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác viết thư gửi các vị phụ lão, kêu gọi thành lập "Phụ lão cứu quốc Hội" và kêu gọi các bậc phụ lão nêu cao tinh thần đoàn kết để làm gương cho con cháu.

Được sự chỉ đạo của đồng chí Vũ Oanh, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Dân vận của Đảng, đầu năm 1993 Viện Lão khoa Việt Nam đã chủ trì hội thảo về xây dựng hệ thống tổ chức của NCT; khẳng định: Cần sớm ra đời Hội NCT Việt Nam thống nhất trong cả nước để đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của các thế hệ NCT có nhiều cống hiến, tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Ban Vận động thành lập Hội NCT Việt Nam gồm 15 thành viên được hình thành. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch danh dự Ủy ban TW MTTQ Việt Nam làm Trưởng ban; GS, bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Khuê, Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam làm Phó Trưởng ban. Ban vận động làm việc với các cơ quan, Bộ, Ban ngành TW và một số tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo... Ban Vận động báo cáo với lãnh đạo các cơ quan bảo trợ và tháng 3/1994, trình Chính phủ Đề án xin thành lập Hội NCT Việt Nam. Ngày 24/9/1994, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh kí Quyết định số 523/TTg, cho phép thành lập Hội NCT Việt Nam.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Đàm Hữu Đắc làm việc với Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế. Ảnh Thanh Hà

 

Đại hội thành lập Hội NCT Việt Nam từ ngày 9-10/5/1995, tại Thủ đô Hà Nội, với 215 đại biểu. Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi thư chúc mừng. Các đồng chí: Vũ Oanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Công tác quần chúng TW; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo dự và phát biểu ý kiến. Đại hội thông qua Nghị quyết, Điều lệ Hội, Chương trình Hành động toàn khóa; quyết định lấy ngày 10/5/1995 là Ngày thành lập Hội NCT Việt Nam; bầu BCH TW Hội 73 ủy viên; TTND, GS Phạm Khuê làm Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch. Đi đôi với lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội, Hội tích cực tham gia, phối hợp các Ban, Bộ ngành xây dựng Pháp lệnh NCT, Chỉ thị 59-CT/TƯ, Chỉ thị 117/TTg về chăm sóc NCT. Trong thời gian ngắn, Hội NCT cơ sở thành lập ở gần 70% xã, phường, thị trấn trong cả nước.

Cơ quan TW Hội được hình thành để giúp việc Ban Thường vụ (BTV), Ban Chấp hành (BCH), Thường trực TW Hội triển khai nhiệm vụ; thành lập 4 Ban chuyên môn và Văn phòng do các Ủy viên BTV kiêm nhiệm phụ trách, bổ sung chuyên viên từ các bộ, ban, ngành. Trụ sở, phương tiện làm việc nhờ Viện Lão khoa, bổ sung dần phương tiện làm việc, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Báo Người cao tuổi, sau thời gian chuẩn bị khẩn trương, được thành lập và phát hành số báo đầu tiên vào Ngày Quốc tế NCT 1/10/1995.

Các Hội cơ sở đã đề ra "Chương trình hoạt động" theo 5 nội dung: Hoạt động tình nghĩa; Chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh; Phát huy vai trò đối với gia đình và xã hội; Nâng cao trình độ; Vui chơi, giải trí phù hợp lứa tuổi. Sau hơn 1 năm hoạt động, Hội nghị lần thứ Hai BCH TW Hội được triệu tập; bàn chủ trương tiếp tục kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động và bầu đồng chí Vũ Oanh làm Chủ tịch danh dự; nêu rõ khó khăn trong thông tin hai chiều giữa TW Hội và Hội cơ sở, đề nghị cần có bộ phận thường trực cấp tỉnh, huyện. BTV TW Hội báo cáo và được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Ban Đại diện (BĐD) Hội cấp tỉnh, cấp huyện. Như vậy, sau hơn một năm hoạt động, hệ thống tổ chức của Hội NCT Việt Nam hoàn thiện từ TW đến cơ sở, là tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào NCT.

 

Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền thăm, tặng quà cựu Chủ tịch Vũ Oanh. Ảnh Thanh Hà

 

Đầu năm 1996, Kỉ niệm 50 năm ngày Bác Hồ ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", TW Hội phát động phong trào thi đua đến cơ sở và vui mừng đón các đồng chí: Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đến thăm. Tháng 8/1998, Chính phủ ban hành quyết định giao cho Hội NCT Việt Nam ngôi nhà số 12, phố Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, TP Hà Nội làm trụ sở Cơ quan TW Hội. Ngày 2/9/1998, Cơ quan TW Hội chính thức làm việc tại trụ sở mới.

Thực hiện chủ trương, kế hoạch sơ kết thực hiện Chỉ thị 59/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng gắn với sơ kết thực hiện Chỉ thị 117/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 2/1999, TW Hội hướng dẫn Hội các cấp phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức. Kết quả đánh giá bước đầu nhấn mạnh: "Hội NCT thực sự làm nòng cốt, chủ động tham mưu, tham gia triển khai sáng tạo các mặt hoạt động. Công tác chăm sóc và phát huy NCT phù hợp với đạo lí, truyền thống dân tộc, đáp ứng sự nghiệp đổi mới của đất nước"; đồng thời, chỉ ra những khó khăn, tồn tại; đề xuất một số kiến nghị, như: "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động NCT và Hội NCT"; "Công tác chăm sóc và phát huy NCT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từng gia đình, cộng đồng, toàn xã hội"; "Công tác chăm sóc và phát huy NCT được thực hiện bằng hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước kết hợp xã hội hóa và sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân", Chính phủ có quyết định để kiện toàn tổ chức đẩy mạnh hoạt động Hội NCT Việt Nam…

Với sự tham gia tích cực của Hội, ngày 28/4/2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh NCT, có hiệu lực từ ngày 1/7/2000; là văn bản pháp lí cao nhất về NCT Việt Nam; khẳng định vị thế, vai trò của NCT, thể hiện rõ quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Đồng thời là chuẩn mực đạo đức xã hội, khẳng định trách nhiệm chăm sóc và phát huy vai trò NCT là của gia đình, xã hội và Nhà nước. (còn nữa)