09/05/2016 20:10

Nhân kỷ niệm 21 năm Hội Người cao tuổi Việt Nam

Nâng cao vị thế của Hội góp phần vào sự nghiệp ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

                                                                                Tiến sĩ: Đàm Hữu Đắc

                                                                                Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam


Được phép của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đông đảo người cao tuổi nước ta, ngày 10 tháng 5 năm 1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập đã kế thừa và phát huy truyền thống Hội Phụ lão cứu quốc do Bác Hồ sáng lập. 21 năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân, của người cao tuổi, sự chủ động, sáng tạo của Hội Người cao tuổi Việt Nam và Hội Người cao tuổi ở địa phương, cơ sở, các hoạt động phong trào của Hội có bước phát triển không ngừng và đạt nhiều kết quả, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Vị thế, vai trò của tổ chức Hội Người cao tuổi ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội nước ta. Nhìn lại chặng đường 21 năm qua, với công sức, trí tuệ, tâm huyết và sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ Hội từ trung ương đến địa phương và cơ sở, chúng ta đã đạt được những kết quả to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực công tác của Hội góp phần vào sự nghiệp ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hội Người cao tuổi Việt Nam và Hội Người cao tuổi ở địa phương, cơ sở đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi. Hội đã động viên khuyến khích được lớp người cao tuổi hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng” trên các lĩnh vực hoạt động công tác của Hội nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh, kinh nghiệm sống và vị thế của người cao tuổi; tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những kinh nghiệm quý trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tuyên truyền, động viên con cháu trong gia đình, dòng họ gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những quy định của chính quyền địa phương được cấp ủy, chính quyền địa phương trân trọng. Đặc biệt, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội dự án Luật Người cao tuổi và đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23 tháng 11 năm 2009. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng, nên chỉ sau một thời gian Luật Người cao tuổi đã có đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện. Luật Người cao tuổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là văn bản pháp luật nhanh chóng có đầy đủ văn bản hướng dẫn và sớm đi vào cuộc sống.

Từ khi thành lập Hội đến nay, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã ban hành hơn 30 văn bản liên quan đến người cao tuổi; do vậy, hệ thống chính sách liên quan đến người cao tuổi ngày càng hoàn thiện. Hội Người cao tuổi Việt Nam là một trong số ít hội có đầy đủ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ Hiến pháp, Luật, Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đến các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng. Năm 2015, Trung ương Hội đã chủ động nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg, ngày 25/4/2015 về “Tháng hành động vì người cao tuổi”, lấy tháng tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo của con cháu với bố mẹ, ông bà và tinh thần kính lão trọng thọ, thu hút sự quan tâm của tổ chức, cá nhân và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi.

Các phong trào, chương trình do Hội phát động đều nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các ngành, các cấp, của toàn xã hội như: Phong trào “Một triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo”, phong trào ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người cao tuổi nghèo, chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”, chương trình “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới” đã được các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, các doanh nhân, cá nhân trong cả nước nhiệt tình tham gia, chia sẻ những khó khăn với người cao tuổi. Thông qua các chương trình phối hợp, hàng triệu người cao tuổi, nhất là những người cao tuổi nghèo khó đã được thụ hưởng sự giúp đỡ của cộng đồng, của xã hội, giúp họ bớt đi nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, hai chương trình do Đại hội IV Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động đã đạt kết quả tốt đẹp: Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” đã tổ chức tư vấn, khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 3,5 triệu người cao tuổi; chữa các bệnh về mắt, mổ quặm, mổ mộng, thay thủy tinh thể cho 541.571 người cao tuổi với kinh phí huy động xã hội hóa hơn 513 tỷ đồng; Chương trình “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”; người cao tuổi cả nước đã động viên con cháu, gia đình, họ tộc hiến hơn 12 triệu m2 đất, đóng góp hơn 6,3 triệu ngày công làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi ở cơ sở trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Hội Người cao tuổi Việt Nam đã ký chương trình phối hợp công tác với 7 bộ, ngành chức năng như: Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Về cơ bản, các chương trình phối hợp với các bộ, ngành đều thực hiện tốt, một số bộ đã tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ Hội cơ sở.

Trên cơ sở Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của các bộ, ngành, đến nay cả nước đã có 2,8 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,5 triệu người cao tuổi cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; từ năm 2010 đến nay, trung bình hàng năm có từ 1 triệu đến 1,1 triệu người cao tuổi được các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức chúc thọ, mừng thọ; hơn 900 ngàn người cao tuổi được thăm hỏi, động viên khi ốm đau, bệnh tật, tặng quà trong dịp lễ, tết; công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi được các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội quan tâm. Một số địa phương, cơ sở đã tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, lập sổ theo dõi sức khoẻ người cao tuổi. Năm 2015, cả nước đã tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho hơn 2,9 triệu người cao tuổi, cấp thẻ BHYT cho hơn 3,986 triệu người. Hội Người cao tuổi các cấp đã tích cực tổ chức các hoạt động, vận động các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tổ chức tư vấn, hướng dẫn, bồi dưỡng và tập huấn kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khoẻ, nâng cao sức khoẻ đối với đối với người cao tuổi và gia đình người cao tuổi; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng triệu người cao tuổi ở cơ sở. Đi đôi với quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, các địa phương quan tâm phát triển các hoạt động văn hoá tinh thần cho người cao tuổi, tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tâm linh đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo người cao tuổi. Các loại hình quỹ hội từng bước được củng cố và phát triển, gồm Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi, Chân Quỹ do chi hội quản lý; Quỹ Phụng dưỡng ông bà cha mẹ do gia đình, họ tộc quản lý. Trên thực tế ở địa phương nào phát triển mạnh các loại hình quỹ thì ở địa phương ấy các phong trao, hoạt động của tổ chức Hội hết sức phong phú, hiệu quả, được đông đảo người cao tuổi đồng tình hoan nghênh.

Các hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi cũng được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để những người cao tuổi còn sức khoẻ, kinh nghiệm tiếp tục đóng góp cho quê hương đất nước. Với 5 triệu người cao tuổi từ 60 – 65 tuổi, 70 – 75 tuổi và hàng triệu người cao tuổi có trình độ đại học, sau đại học còn sức khoẻ, trí tuệ; trong đó có nhiều người là giáo sư, tiến sĩ uyên thâm về khoa học công nghệ cao, nhiều người là cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện các chương trình dự án trong nước và quốc tế; kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm trong nghiên cứu, xây dựng và giám sát, phản biện các chính sách kinh tế, xã hội. Đây thật sự là những tiềm năng, thế mạnh của người cao tuổi, nếu được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, họ sẽ tiếp tục có những đóng góp, công hiến vào các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Hiện cả nước có 1,24 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể. Có địa phương có đến 70 – 80% người cao tuổi làm Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản; gần 2,5 triệu người cao tuổi còn tham gia lao động sản xuất, kinh doanh; hơn 93 ngàn người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh; gần 300 ngàn người cao tuổi làm kinh tế giỏi…Hội Người cao tuổi các cấp đã tích cực tham gia, góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992: Toàn Hội đã tổ chức 4.013 hội nghị với trên 2 triệu lượt người cao tuổi tham dự đóng góp 165.819 ý kiến. Đáp ứng nguyện vọng đông đảo người cao tuổi cả nước, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp sửa đổi 1992. Hiến pháp 2013 đã đề cập đậm nét đến vấn đề người cao tuổi: Tại khoản 3, Điều 37 có nội dung: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và tại Khoản 2, Điều 59 có nội dung: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ huởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.

Đến nay cả nước có 11.161 xã, phương, thị trấn có người cao tuổi đã thành lập Hội với 99.600 chi hội, 250.540 tổ hội, hoạt động của Hội đang đi dần vào nề nếp. Nhiều cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm hơn đến công tác người cao tuổi, phong trào của Hội Người cao tuổi; tổ chức Hội từng bước kiện toàn củng cố, tăng cường cán bộ chuyên trách, có chính sách đối với cán bộ Hội; nhiều tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, tạo điều kiện tổ chức bồi dưỡng tập huấn về Luật Người cao tuổi, các văn bản của Chính phủ, của các bộ ngành, về nghiệp vụ công tác Hội cho đội ngũ cán bộ Hội. Hoạt động của nhiều chi hội, tổ hội ngày càng phong phú, đa dạng, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, thu hút được đông đảo người cao tuổi tham gia. Cơ quan Trung ương Hội đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác Hội, sắp xếp lại tổ chức, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, sửa đổi bổ sung, ban hành mới các quy chế làm việc, quan hệ công tác, quy chế thi đua khen thưởng, đưa các hoạt động công tác ở khối cơ quan trung ương đi vào nề nếp. Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đến nay đã có 13 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Hội Người cao tuổi, sau thời gian hoạt động đã khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Hội. Các hoạt động, phong trào phát triển sôi động, được các cơ quan, ban ngành, xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Các cấp Hội ở địa phương cơ sở không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là các hoạt động về tinh thần như tổ chức thăm hỏi, động viên khi người cao tuổi ốm đau bệnh tật, phối hợp với chính quyền, gia đình tổ chức tốt việc chúc thọ, mừng thọ.  Hàng năm, tổ chức chu đáo lễ tang khi người cao tuổi qua đời nên đã động viên người cao tuổi tham gia Hội Người cao tuổi ngày càng đông đảo. Đến nay cả nước có hơn 8,5 triệu người cao tuổi tham gia Hội, chiếm 90 % tổng số người cao tuổi; trong đó có nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ người cao tuổi tham gia tổ chức Hội cao đạt hơn 93%.

Phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng” phát triển sôi động ở các cấp Hội, trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Hội. Thông qua phong trào thi đua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, dưỡng sinh, tham quan du lịch cho người cao tuổi phát triển mạnh, cả nước có hơn 70 ngàn các loại hình câu lạc bộ, thu hút gần 3 triệu người cao tuổi tham gia. Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được tổ chức quốc tế trợ giúp cho một số tỉnh ban đầu; đến nay đã phát triển ra 14 tỉnh, thành phố với 854 câu lạc bộ thu hút hơn 46 ngàn người cao tuổi tham gia. Đây là mô hình câu lạc bộ có hiệu quả nhất với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với người cao tuổi nghèo khó ở khu vực nông thôn đang được các tỉnh, thành phố nhân rộng bằng nguồn kinh phí của địa phương; câu lạc bộ sức khoẻ ngoài trời của người cao tuổi thành phố Hà Nội đã thu hút hàng trăm ngàn hội viên, không chỉ ở 30 quận, huyện, thị xã của thành phố mà còn lan toả 17 tỉnh, thành phố trong cả nước; phong trào “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo ngày càng phát triển; phong trào người cao tuổi giáo dục con cháu trong gia đình, họ tộc gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của cấp uỷ, chính quyền địa phương được xã hội hoan nghênh. Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với một số bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tổ chức thành công hội nghị quan trọng như: Hội nghị biểu dương già làng, trưởng bản tiêu biểu ở 5 tỉnh Tây Nguyên năm 2009 và hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu tham gia bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, xã hội hoan nghênh và đánh giá cao góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn ở tây nguyên, biên giới, biển đảo.

Hoạt động kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách đối với người cao tuổi được các Hội quan tâm chỉ đạo sát sao, tích cực tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Không ngừng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Hội, đến nay Hội Người cao tuổi Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với một số nước trong khu vực, một số tổ chức quốc tế, tiếp nhận một số dự án, chương trình của tổ chức quốc tế liên quan đến hoạt động của Hội Người cao tuổi.

Với tinh thần “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo tổ quốc”; phát huy những thành tựu đạt được trong 21 năm xây dựng và phát triển, tổ chức thành công Đại hội Hội Người cao tuổi ở địa phương, cơ sở là nhân tố tiền đề quan trọng để tiến tới Đại hội lần thứ V Hội NCT Việt Nam thành công rực rỡ thiết thực chào mừng thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.