Đó là nhận xét của bà Lưu Thị Hường, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng Ban Chăm sóc Người cao tuổi về thực trạng người cao tuổi (NCT) ở các đô thị, thành phố lớn hiện nay.
Bà Lưu Thị Hường. (Ảnh: TP)
Nhiều người nói rằng, NCT ở đô thị, thành phố lớn cô đơn hơn NCT ở nông thôn, bà nghĩ sao về điều này?
ViệtNamhiện nay có 9,4 triệu NCT, chiếm 10,45% dân số. Trong đó, 70% NCT sống ở nông thôn, 30% NCT sống ở thành thị. Đời sống tinh thần, vật chất của NCT đang được nhà nước, cộng đồng từng bước quan tâm.
Ở nông thôn, tuy đời sống vật chất khó khăn hơn, bận rộn hơn, nhưng bù lại các cụ có nhiều bạn bè để trò chuyện thăm hỏi nhau, có vườn, ruộng, họ hàng gần... nên đời sống thoải mái, vui vẻ hơn. Còn các cụ ở thành phố đang chịu cảnh cô đơn ngay từ trong gia đình.
Bà có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?
Thực tế hiện nay, con cháu trong độ tuổi đi làm ít quan tâm đến ông bà, cha mẹ. Hằng ngày, ngoài đi làm công sở, nhiều người lại đi làm thêm ngoài giờ, đi học nâng cao trình độ, chăm sóc gia đình nhỏ của mình... Do đó, họ chưa có thời gian nhiều chú ý, hỏi han người già ở nhà.
Nhiều trường hợp, con cái đi làm về không muốn chào cha mẹ một cách vui vẻ, thoải mái nếu như công việc ở cơ quan không thuận lợi, hay cãi vã với vợ/chồng hoặc người yêu...
Trong khi đó, các cháu nhỏ ngoài việc đi học cả ngày, học thêm buổi tối, ngoài giờ... về nhà lại chơi điện tử hoặc tham gia các lớp ngoại khóa theo độ tuổi, không còn thời gian để nói chuyện, tâm sự với ông bà, cha mẹ.
Niềm vui của tuổi già là quây quần bên con, bên cháu thì đang bị cuộc sống hiện đại “cướp” mất.
Nhiều gia đình, con cái lại không muốn cho bố mẹ tham gia các hoạt động xã hội, sợ các cụ bị ngã hay có những việc ảnh hưởng tới sức khỏe... Các cụ bị “nhốt” ở trong khuôn viên ngôi nhà chật chội, bị đói về cả hoạt động xã hội cũng như hoạt động tinh thần. Và quả thật, NCT ở đô thị đang rơi vào cảnh cô đơn trong chính gia đình mình, đặc biệt là những cụ đã mất đi một nửa của mình.
Vận động NCT ở đô thị tham gia sinh hoạt cộng đồng, các câu lạc bộ thể dục, thể thao… để giải tỏa sự cô đơn. Theo bà, biện pháp này có khả thi không?
Hàng năm Hội NCT Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch tổ chức các giải thi bơi, bóng chuyền hơi, cầu lông, cờ tướng..., được đông đảo người trung – cao tuổi toàn quốc tích cực tham gia như ở một số thành phố: như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. HCM...
Hội NCT các cấp đã tập trung xây dựng và phát triển các loại hình CLB. Đến nay, đã có trên 70.000 CLB với nhiều thể loại phong phú, đa dạng: CLB Văn nghệ, Thể dục dưỡng sinh, CLB Cầu lông, CLB Thơ, CLB Bóng chuyền hơi, CLB Khiêu vũ, CLB Cở tướng... thu hút gần 3 triệu NCT tham gia. Tiêu biểu như tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An, Ninh Bình, TP.HCM, TP Hà Nội, Kiên Giang, TP Đà Nẵng... Do đó, đã góp phần nâng cao sức khỏe, tạo sân chơi vui khỏe có ích cho NCT cả nước.
Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện số lượng NCT ở các thành phố lớn, các hoạt động như trên, các câu lạc bộ chưa thể đáp ứng hết nhu cầu. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, số điểm vui chơi, giải trí dành riêng cho NCT không hề có. NCT chỉ có các điểm vui chơi chung trong thành phố như công viên Bách Thảo, Hòa Bình hay Thống Nhất… NCT cần khu dành riêng cho mình để vui chơi kết hợp tập thể dục, chữa bệnh (bằng các thiết bị tập thể dục nâng cao sức khỏe) không biết bao giờ mới có.
Đặc biệt, để duy trì các câu lạc bộ dưỡng sinh, khiêu vũ, thơ ca…, NCT phải tự tìm địa điểm hoạt động cho mình.
Người cao tuổi ở đô thị đang bị thiếu không gian vui chơi, giải trí
Xin bà cho biết các giải pháp để nâng cao đời sống NCT đặc biệt là đời sống tinh thần, giúp NCT thoát khỏi sự cô đơn?
Tôi cho rằng, điều đầu tiên và cần thiết là sự thay đổi trong nhận thức của các bậc con cháu. Chúng tôi mong rằng, con cháu hãy quan tâm nhiều hơn tới đời sống của NCT bằng các hành động cụ thể như đi về chào hỏi, thưa gửi; thường xuyên hỏi han, quan tâm để NCT cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn trong gia đình mình.
Bản thân những người làm công tác hội chúng tôi cũng đang có những hoạt động phối hợp giữa hội phụ nữ, đoàn thanh niên… để nâng cao ứng xử của giới trẻ đối với NCT. Các cụ ngày xưa đã từng dạy “trọng già, già để tuổi cho”, kính trọng, yêu thương người già là điều cần thiết và cũng là truyền thống tốt đẹp của người Việt.
Bên cạnh đó, tôi hy vọng các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới nhu cut của NCT như khu vui chơi, giải trí; đầu tư xây dựng trung tâm chăm sóc NCT cũng như đào tạo đội ngũ y, bác sĩ dành riêng cho NCT để chất lượng cuộc sống NCT ngày càng được nâng cao.
Xin cảm ơn bà!