Đông y cho rằng: Khi bàn về kinh túc dương minh vị (dạ dày) biểu lí với túc thái âm tì. Khí của tì ưa ấm, ghét lạnh; gặp ấm thì biến hóa được thủy cốc, khi dương khí bất túc khí hàn lạnh xâm lấn, khiến hai chân lạnh không nằm được; có cảm giác sợ gió, hai mắt căng khó ngủ, đau bụng, hai mạng sườn trướng đau, hay sôi bụng, môi miệng khô, có khi mặt phù, ăn uống kém, đó là do vị khí hư lạnh.
Nguyên nhân: Chứng vị khí hư thường gọi là chứng vị khí (dịch vị) bất túc. Công năng thu nạp và làm ngấu nhừ thức ăn sút kém, dẫn đến vị mất đi sự hòa giáng. Bệnh sinh ra do ăn uống không điều độ, hoặc do mệt nhọc làm hư tổn, hoặc do ỉa chảy lâu ngày làm tổn thương vị khí.
Triệu chứng: Người vị khí hư thường môi trắng nhợt, mạch hữu quan nhuyễn nhược, vùng thượng vị đau âm ỉ, ấn tay vào thì đỡ đau, không muốn ăn uống, ăn không tiêu hóa được hoặc ăn vào thì nôn ra, hụt hơi, lười nói, tiếng nói nhỏ, sắc mặt vàng bủng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch hư nhược.
Cơ chế bệnh: Chứng vị khí hư xuất hiện quanh năm, ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là ở NCT và trẻ em có thể trạng yếu. Đặc điểm của bệnh là không muốn ăn, hoặc chỉ thích ăn một loại thức ăn, cơ thể gầy còm. Trong Đông y vị là bể chưa thủy cốc, chủ về thu nạp và làm ngấu nhừ thức ăn. Khí của vị lấy giáng làm thuận, cùng biểu lí với tì thường gọi chung là gốc của hậu thiên (sau khi sinh ra) là nguồn sinh hóa của khí huyết.
Vị khí hư sinh ra các bệnh:
- Chứng vị quản thống (đau vùng thượng vị): Chứng vị quản thống thời kì đầu thuộc thực chứng, thường do can khí phạm vị, hoặc do đàm ẩm tích trệ tại vị, hoặc do ngoại tà (vi khuẩn) xâm nhập. Nếu để lâu ngày không được điều trị làm tổn thương chính khí, bệnh trở thành hư chứng. Triệu chứng: Vị quản đau âm ỉ, khi đói thì đau tăng lên, ăn vào thì giảm đau, ấn tay vào thấy dễ chịu, lưỡi nhạt, mạch nhược. Điều trị: Bổ ích vị khí. Bài thuốc: Hoàng kì kiến trung thang. Di đường 30g; Hoàng kì 20g; Bạch thược, Đại táo mỗi thứ 16g; Quế chi, Sinh khương mỗi thứ 12g; Cam thảo 6g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp. Cách dùng: Ngày một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
- Vị khí hư sinh chứng tào tạp (cồn cào trong dạ dày): Vị khí hư không làm được chức năng ngấu nhừ thức ăn, trọc âm không giáng xuống, đàm ẩm lưu trệ lại trong vị mà sinh bệnh. Triệu chứng: Bệnh nhân thấy trong vị cồn cào không yên, khó mô tả, có cảm giác như đói mà không phải đói, giống như đau mà không phải đau, miệng nhạt, hay lợm lòng buồn nôn, có khi nôn. Điều trị: Kiện tì hòa vị. Bài thuốc: Dị công tán. Bạch truật (sao) 12g; Trần bì 10g; Nhân sâm, Bạch linh mỗi thứ 8g; Chích thảo 4g, tùy theo chứng trạng của bệnh nhân có thể gia vị cho thích hợp. Cách dùng: Ngày một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
- Vị khí hư sinh chứng ách nghịch (nấc): Do vị khí không đủ khí mất đi sự hòa giáng nghịch lên mà sinh ra nấc. Điều trị: Bổ vị hòa trung trừ nấc. Bài thuốc: Lục quân tử thang gia giảm. Bạch truật, Phục linh mỗi vị 12g; Bán hạ chế, Nhân sâm mỗi thứ 8g; Trần bì 6g; Chích thảo 4g. Có thể gia thị đế 12g, Hậu phác 8g, Mộc hương 4g. Cách dùng: Ngày một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn 15 phút.
- Vị khí hư sinh chứng ái khí (ợ hơi): Bệnh nhân ra nhiều mồ hôi hoặc do thầy thuốc phát hãn, hoặc dùng phép hạ thổ quá mức làm tổn thương trung khí, vị khí suy yếu, thực trệ tích lại làm vị khí nghịch lên mà sinh ra chứng ái khí. Triệu chứng: Bệnh nhân ợ hơi liên tục, nhưng không có mùi nồng của thức ăn, vùng dưới tâm bỉ đầy, thích xoa bóp. Điều trị: Bổ hư giáng nghịch. Bài thuốc: Toàn phúc đại giả thang. Đại giả thạch 40g; Sinh khương 20g; Toàn phúc hoa, Chích thảo, Nhân sâm, Bán hạ chế mỗi vị 12g; Đại táo 12 quả. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói.
- Vị khí hư sinh chứng ẩu thổ (nôn mửa): Do tì vị hư yếu thăng giáng thất thường sinh bệnh. Triệu chứng: Bệnh nhân nôn mửa ra nước trong, hoặc sau khi ăn cũng nôn mửa, thường ăn uống kém, đại tiện phân lỏng. Điều trị: Kiện bổ tì vị. Bài thuốc: Lí trung thang gia giảm. Bạch truật, Nhân sâm mỗi vị 12g; Can khương, Cam thảo mỗi vị 8g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp. Cách dùng: Ngày một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói.
- Vị khí hư sinh chứng hư lao. Do tì vị hư yếu, ăn uống kém, nguồn sinh hóa của huyết không đủ sinh bệnh. Triệu chứng: Cơ thể gầy còm, sắc mặt vàng bủng, ăn kém, người mệt mỏi, hụt hơi, tiếng nói nhỏ, lười nói. Điều trị: Bổ tì ích vị. Bài thuốc: Tứ quân tử thang. Bạch truật 12g; Phục linh 10g; Nhân sâm 8g; Cam thảo 4g. Có thể gia thêm các vị bổ khí, bổ huyết, kiện tì. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn hoặc lúc đói.
- Vị khí hư sinh chứng nôn ọe của phụ nữ mang thai. Do vị khí vốn suy kém, sau khi thụ thai khí huyết dồn xuống để nuôi dưỡng thai nhi, càng làm cho vị khí yếu thêm mất đi sự hòa giáng, khí của mạch xung xông lên mà sinh bệnh. Triệu chứng: Bệnh nhân thời kì đầu có thai thường buồn nôn, nôn mửa, ăn vào thì nôn ra ngay, có khi ngửi thấy mùi thức ăn cũng buồn nôn, ăn uống kém, lưỡi nhạt, mạch hoãn hoạt. Điều trị: Kiện tì hòa trung giáng nghịch chỉ nôn. Bài thuốc: Hương sa lục quân tử thang. Bạch truật 12g; Sa nhân, Bán hạ chế, Phục linh, Nhân sâm mỗi vị 8g; Trần bì 6 g; Mộc hương, Sinh khương, Chích thảo mỗi vị 4g; Ô mai 2 quả; Đại táo 3 quả. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia giảm cho thích hợp. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày. Ghi chú chỉ dùng từ 3 – 7 ngày là tối đa.
TTND, BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng
Nguồn: Báo Người cao tuổi/29/08/2014