08/04/2015 01:56

Mầm sống

                                                                                                                       Truyện ký của Hữu Hồng ** 

          Kính tặng những người thân yêu nhất của tôi ...

         Mùa Xuân năm 1972, sau khi chiến đấu giải phóng Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng) của nước bạn Lào, cả Sư đoàn thần tốc trở về đất Mẹ. Đại đội trinh sát của trung úy Hữu Hưng được đóng quân 13 ngày tại một xóm nghèo đất lửa Quảng Bình để chuẩn bị cùng sư đoàn tiến quân vào chiến trường Quảng Trị. Cuốn nhật ký ố vàng bị mảnh bom xuyên đã được anh ghi chép tỉ mỉ:

 


Sinh viên năm 1972 chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị
(Ảnh minh họa/ nguồn ảnh Tư liệu: QĐND.VN)

 

         Ngày… Một làng quê nghèo mến yêu quá, có những người nông dân đôn hậu thật thà như mẹ Liên, bác An, chị Thi và đặc biệt là những thôn nữ dân quân, có tiếng cười giòn tan trong nắng, cát trắng nóng bỏng và nắng biển mặn mòi chỉ có thể tăng thêm màu hồng đôi má. Vùng quê có những vạt đồi sim ngút ngàn màu tím, có dòng sông Lũy Thày và bến phà Long Đại ngày đêm bị địch dội bom đánh phá dữ dội.

        Ngày… Chiều nay mình cùng Ban chỉ huy Đại đội đến thăm các nữ pháo thủ và muốn tổ chức kết nghĩa giữa đại đội trinh sát với trung đội nữ dân quân. Tiếp đoàn gồm ba cô gái có tên  Hiển, Vinh, Chi, người nào cũng hồn nhiên đến trong trẻo. Đồng bào kể rằng, lúc chiến đấu cả ba cô đều bị thương, máu cứ chảy nhưng đạn bắn máy bay vẫn nổ giòn và cho đến một ngày bom thù đã giết chết những người thân của các cô, khăn tang chít trên đầu mà tay vẫn ghì chặt pháo. Lệ Chi là cô gái rất đẹp, vẻ đẹp mặn mà, sâu lắng, dung dị dễ  gần, đôi mắt đen nhánh, trong veo rợp bóng mi dài, đôi môi mọng đỏ với nụ cười tươi rói trên khuôn mặt thanh tú trắng hồng và thân hình thanh thoát, lưng ong đã khiến mình rung động.

         Ngày… Hôm nay đã sang ngày thứ 10 đại đội được ở cùng dân, mình đến thăm mẹ Liên (mẹ của Lệ Chi), nhưng mẹ đi vắng, chỉ có Lệ Chi ngồi đan áo. Đột nhiên những vệt sáng xanh lè xé rách màn trời đêm. Nhanh như cắt Chi đảy mình vào hầm trú ẩn và hét to:-“B52 đó”. Cùng với hàng loạt tiếng nổ, mặt đất rùng mình chao đảo. Chi kêu lên:-“Anh bị thương rồi”. Chi vội tháo khăn buộc tóc băng trán cho mình. Mình ngồi đối diện với Chi, mùi con gái và hơi thở nồng ấm của cả hai hòa quyện vào nhau. Hai khuôn mặt đẹp, hai cặp mắt sáng đang giao nhau, hai làn môi mọng đỏ dường như sắp chạm vào nhau và hơn thế vòng tay mềm mại của Chi ôm trọn lấy cổ mình, hai khuôn ngực căng tròn chỉ cách nhau lần vải mỏng… Giây phút hiếm hoi ấy đã qua đi quá nhanh!

        Ngày… Hôm nay, ngày thứ 12. Có lệnh gấp, mình lên  Sư đoàn nhận nhiệm vụ. Chắc ngày mai sẽ vào chiến trường, mình và đồng đội sẽ phải xa cái xóm nhỏ thân yêu, xa những người nông dân một nắng hai sương đã nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội, xa Lệ Chi - mối tình đầu mà mình chưa thể nói với em!

                                                  *

                                               *     *

        Ngày thứ 12 bộ đội về làng cũng là ngày máy bay địch tàn phá ác liệt cái xóm nhỏ Lệ Minh. Tiếng bom vừa dứt, Chi vội chạy về làng, bộ đội và dân làng đang khẩn trương cấp cứu, đào bới tìm thi thể những người đã chết. Chi đi như chạy tới nhà chị Thi, cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt: Hai hố bom to sâu hoắm đã nuốt chửng cả ngôi nhà. Chi vừa đào bới, vừa gào thét gọi Hưng. Đột nhiên từ trong lớp đất lộ ra tấm ảnh thân thuộc của Hưng và cuốn nhật ký của anh đã bị mảnh bom xuyên thấu. Về tới nhà, Chi khêu to ngọn đèn dầu đọc, nước mắt cô giàn giụa, lòng tan nát: -“Hưng ơi, đã có đêm em thao thức nhớ anh, đã nhiều ngày muốn anh có mặt nơi em trực chiến. Bây giờ thì đã muộn rồi”. Đúng lúc Chi đau đớn tận cùng thì cũng là lúc cô đọc tới trang cuối của cuốn nhật ký. Chi reo lên sung sướng, toan chạy ra bến đò, muốn qua sông lên sư đoàn gặp anh.

        Đêm ấy, đại đội của Hưng được tăng cường quân số thành tiểu đoàn bộ binh do Hưng chỉ huy lặng lẽ tiến quân vào chiến trường. Tiễn đoàn quân là bà con nơi xóm nhỏ đã có 13 ngày sống chết cùng nhau. Giây phút chia tay nặng tình "cá - nước" làm xao động lòng người: Những cái bắt tay vội vã, những cái ôm hôn thật chặt và cả những tiếng nấc nghẹn ngào…Đoàn quân đã đi xa mà không thấy Chi khiến tâm trạng Hưng rối bời: “Thôi đành vậy, tạm biệt em, mối tình đầu của anh”. Bỗng một tiếng gọi từ phía sau, Hưng chợt quay lại. Chi đổ người vào hai cánh tay giang rộng của anh và nói trong hơi thở gấp gáp: - “Em lên sư đoàn tìm anh… chỉ lo không gặp được anh”. Hưng lặng người bởi những nụ hôn nồng cháy của Chi… Giây phút hạnh phúc ngắn ngủi ấy qua đi rất nhanh. Giọng Chi văng vẳng với theo: -“Em sẽ gặp anh ở Quảng Trị, ở Sài Gòn…”.

                                                      *

                                                 *        *

       Trận chiến mỗi ngày một ác liệt, mới 20 ngày chốt giữ Thành cổ mà tiểu đoàn của Hưng chỉ còn một phần ba quân số. Những người hy sinh hầu hết ở tuổi 20, là học sinh, sinh viên mới nhập ngũ. Hưng đau đớn báo cáo với Sư đoàn trưởng. Giọng Sư đoàn trưởng sang sảng trong tai nghe: -“20 ngày qua, các đồng chí đã bẻ gẫy nhiều đợt tấn công của địch, khiến nhiều lực lương của chúng mất sức chiến đấu. Những ngày tới sẽ còn ác liệt hơn. Sư đoàn sẽ tăng cường quân cho đồng chí. Thừa lệnh Bộ chỉ huy mặt trận, tôi giao trọng trách cho đồng chí trực tiếp chỉ huy các binh chủng giữ vững Thành cổ…”.

       Vẫn như thường lệ, khoảnh khắc im lặng giữa hai trận đánh là lúc chiến sĩ nghỉ ngơi, củng cố công sự, đạn dược, còn Hưng và ban chỉ huy lại họp bàn cho trận đánh tiếp theo. Từ hôm chia tay với bà con Lệ Minh, chiều nay Hưng mới có thời gian tiếp tục ghi nhật ký. Bỗng anh thấy những hàng chữ con gái tròn trịa viết tiếp trang nhật ký của mình: “ Anh thân yêu! Chắc khi tới chiến trường anh mới đọc những dòng lưu bút  này của em. Chỉ biết rằng em đã yêu anh và người đi xa bao giờ cũng nhẹ nhàng hơn những người ở lại. Yêu anh rồi, em mới thấm thía những năm tháng dài đằng đẵng mạ đợi chờ ba. Cả cuộc đời làm vợ, mạ chỉ có bảy ngày được sống với ba. Ba hy sinh lúc em còn trong bụng mạ. Bây giờ mạ chỉ còn mình em thôi, nhưng mạ đã đồng ý cho em vào bộ đội để trả thù cho ba, để được chia lửa với anh nơi chiến trường… Người Quảng Bình là như rứa mà… Ở giữa cuốn nhật ký em có ướp một bông hồng trắng che đi vết mảnh bom xuyên. Nhớ, yêu anh rất nhiều!”.

        Cuộc chiến giằng co giữa ta và địch đã kéo dài sang ngày thứ năm mươi thì Hưng bị thương. Sư đoàn trưởng lệnh phải khẩn cấp đưa Hưng về trạm quân y KB chữa trị. Đó là trạm quân y có nhiều bác sỹ giỏi,  đóng bên bờ Bắc sông Thạch Hãn. Ông trực tiếp điện cho Trưởng trạm:- “Các đồng chí cần khẩn trương chữa trị thật tốt để đồng chí Hưng sớm trở lại chiến trường. Đồng chí ấy là một anh hùng…”. Lệ Chi hồi hộp chờ đợi, nhưng linh cảm mách bảo cô: Người thương binh đó rất có thể là Hưng của cô.

        Hưng nằm bất động trên cáng, đôi mắt nhắm nghiền, toàn thân dính đầy bùn đất. Chiếc áo len Chi tặng rách tả tơi. Chi luống cuống tháo những cuộn băng sơ cứu và vội đưa anh vào phòng mổ. Bốn mươi phút sau ca phẫu thuật mới xong. Hưng tỉnh dần và nhận ra mình đang trong hầm hậu phẫu và bàn tay anh được nắm chặt bởi đôi bàn tay mềm mại, ấm nóng của người con gái. Trong ánh sáng mờ ảo hiện rõ dần một khuôn mặt đẹp, anh thốt lên hạnh phúc: “Lệ Chi!”. Chi cúi xuống hôn lên đôi môi nhợt nhạt của anh, khuôn mặt anh đẫm ướt bởi nước mắt của Chi…

        Hai tuần sau sức khỏe của Hưng đã gần bình phục, anh mong mỏi trở lại chiến trường, vì nơi đó đang rất cần anh. Sư đoàn trưởng yêu cầu hai chiến sỹ đón anh, nhưng Hưng tha thiết được một mình bơi sang bờ Nam sông Thạch Hãn. Trời đã tối, Chi và anh lặng lẽ ra bến sông. Chi giúp anh cho tư trang vào túi nhựa… Giây phút chia tay đã đến, không nén nổi lòng, Chi ôm chặt tấm thân trần của anh, giọng cô lạc hẳn:-“ Anh!  Em muốn… muốn hiến trao cho anh tất cả… Em xin anh đấy…”. Và sau phút linh thiêng của mối tình đầu, họ đã trở thành đàn ông và đàn bà thực sự, trở thành một nửa của nhau, có trời cao và bến sông sâu chứng giám. Rồi họ cùng đặt tên cho đứa con tương lai: Nguyễn Lê Thạch Hãn…

        Đôi mắt Chi nhìn xoáy vào trong đêm, pháo sáng loang loáng bóng Hưng đang bơi. Chi hét to: - “Sắp tới bờ rồi, nhanh lên, anh ơi!”. Ngay khi đó, nhiều loạt bom và đạn pháo của địch trút liên hồi xuống dòng sông và dọc  hai bờ sông. Chi gục ngã, bất tỉnh...

       Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên đường ra Bắc, Sư đoàn trưởng cùng Hưng đã tới thăm mẹ Liên. Có mấy năm thôi mà mẹ đã già đi nhiều quá. Hưng vòng tay qua vai mẹ khẩn khoản: -“ Chi đã về thăm mẹ chưa?”. Mẹ không trả lời mà chỉ tay lên bàn thờ. Hưng chết lặng trước di ảnh của người vợ chưa cưới. Giọng Sư đoàn trưởng chùng xuống: -“Cả trạm quân y KB đã hy sinh”. Một lúc sau Sư đoàn trưởng lại nói, giọng quả quyết: -“ Hưng này, ra Bắc cháu phải đi học y khoa, hậu quả của chiến tranh còn dai dẳng. Đất nước đang cần những người như thế. Còn mẹ Liên đã có người nuôi dưỡng, cháu yên tâm  mà đi”. Sau đó ít lâu, ông đưa mẹ Liên về Quảng Trị sống với vợ mình.

                                                       *

                                                 *         *

  Là vị tướng, ông thấu hiểu cái giá của chiến thắng. Mỗi một chiến sỹ ngã xuống là một nỗi đau tột cùng của người chỉ huy. Với ông, hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là hình tượng mẫu mực về tình yêu thương và lòng nhân ái: Mỗi khi nghe báo cáo ta thắng lớn, nhưng cũng tổn thất nhiều thì đêm đến chiếc gối của Đại tướng lại ướt đầm nước mắt... Ông còn nhớ rất rõ giây phút ông trao chiếc ba lô của người chỉ huy đã hy sinh cho một người mẹ trẻ, giọng ông lạc đi: -“Chị ơi, anh đã…h..y sinh, chị còn có cả chúng em nữa mà…”. Nói chưa dứt lời ông đã òa khóc. Và bây giờ cái trách nhiệm lớn của ông là phải tìm được Chi, tìm được con gái người cố chỉ huy, bởi vì xác của những người trong trạm quân y KB không có Chi. Nhưng chiến tranh phía Tây Nam Tổ quốc lại nổ ra và họa diệt chủng trên đất nước Campuchia lại thúc giục ông ra trận.

        Đã nhiều năm mẹ con Chi được sống với bà con Vân Kiều, được bà con thương yêu đùm bọc. Sức ép tàn ác của đạn bom thù đã làm mất hết ký ức về quá khứ của Chi… Cho tới một ngày Chi cùng bà con đi làm rẫy, bất ngờ khi tới bến sông Thạch Hãn, bỗng ký ức xa xưa của cô bừng tỉnh, tiềm năng đàn bà trong Chi vụt sáng: Bến sông đây, nơi em đã trao anh, bóng anh loang loáng trên sông… Chi vụt chạy về nhà ôm chặt lấy con kêu lên: -“Con gái ơi! Con là Nguyễn Lê Thạch Hãn, cầu trời bố còn sống, gia đình mình sẽ được xum vầy…”.

         Hội nghị toàn quốc về giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do Mỹ gây ra ở nước ta được tổ chức tại Quảng Trị. Người thuyết trình công trình khoa học: Phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho nạn nhân được giới thiệu là Anh hùng lực lượng vũ trang, Thiếu tướng, Giáo sư y học Nguyễn Hữu Hưng. Hưng bước lên bục thuyết trình vẫn dáng thanh cao, mái tóc dầy đã ngả màu muối tiêu bồng bềnh trên vầng trán rộng và đôi mắt sáng sau lần kính trắng. Anh trân trọng chào mọi người rồi nói giọng trầm hùng, hào sảng: -“Chiến tranh đã khép lại sau mấy chục năm qua nhưng nỗi đau da cam/dioxin vẫn còn hiện hữu và dai dẳng. Chất độc đã tàn phá cơ thể của gần 5 triệu người, có gia đình tới 7 người con sinh ra không lành lặn, họ là những người nghèo khổ nhất của những người nghèo khổ, bất hạnh nhất của những người bất hạnh. Dẫu chính quyền Mỹ có bồi thường bao nhiêu, dẫu chúng ta có chung tay góp sức bao nhiêu thì cũng không thể trả lại hạnh phúc trọn vẹn cho họ. Tôi tới thăm một gia đình nạn nhân, thấy cảnh ba cháu trai bị nhốt trong cũi vì mắc thể bệnh hung hãn, hai cháu gái chân tay co quắp nằm bẹp trên giường. Người cha già nua ốm yếu nói với tôi rằng: Nhiều lúc vợ chồng tôi muốn cả nhà chết đi để thoát khỏi cảnh địa ngục này… nhưng rồi vẫn phải sống”. Nói tới đây, Hưng dừng lại, lấy khăn lau mắt. Cả hội trường lặng đi và tiếng khóc cố nín của nhiều người đã bật lên...” .

         Buổi thuyết trình kết thúc, mọi người đã ra về từ lâu. Nhưng ở hàng ghế cuối cùng của hội trường còn lại hai người đàn bà thuộc hai thế hệ: Lệ Chi và Thạch Hãn, cả hai người mắt còn đỏ hoe. Cùng với nỗi đau chung của dân tộc, họ còn có nỗi đau riêng - nỗi đau không thể đoàn tụ gia đình. Trong tiềm thức sâu thẳm và trái tim nồng hậu của Chi lại vang lên tiếng gọi thiết tha: -“Anh ơi! Anh hãy tha thứ cho em, đã bao năm qua em và con không thể gặp anh bởi muốn anh được nhẹ nhàng thanh thản, muốn vợ con anh được vui vẻ, yên bình. Chắc cũng như em: Chúng ta luôn có nhau trong từng bữa ăn, giấc ngủ, luôn sống bằng ký ức nhớ yêu. Con gái chúng ta - Thạch Hãn đó, mầm sống được nảy sinh từ bến sông thiêng. Giờ đây con đã là đồng nghiệp của anh và không lâu nữa chúng ta sẽ lên chức ông bà… Hạnh phúc thật vô bờ đối với em và con khi đã được tận mắt thấy anh, được nghe anh nói”.

       Còn mấy ngày nữa là tết Nguyên đán và cũng đã sang ngày thứ tư Thạch Hãn cùng đoàn bác sỹ đi phẫu thuật, chỉnh hình cho nạn nhân do Giáo sư Hưng dẫn đầu vẫn chưa về. Đột nhiên, linh cảm của người mẹ khiến Chi giật mình: “Trời ơi, lẽ ra mình đừng cho con gái theo anh. Nó là bản sao của anh, lại mang tên dòng sông Thạch Hãn. Làm sao có thể giấu anh mãi được…”. Đêm đã quá khuya, Chi thắp một nén hương cầu khấn ba mạ và hướng ra bến sông mong ngóng con về !

 

                                                                                Hà Nội, tháng 1 năm 2015

 

 * Tên nhân vật đã thay đổi.
 ** UVBTV TW Hội, Trợ lý Chủ tịch Hội NCT Việt Nam

 

------------

        (Nguồn: Tạp chí Người cao tuổi)