Huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang: Phát triển kinh tế gắn với chăm sóc sức khỏe NCT và xây dựng nông thôn mới

Huyện An Biên nằm ở phía Đông của tỉnh Kiên Giang; phía Bắc trông ra vịnh Thái Lan, phía Đông giáp các huyện Châu Thành, Gò Quao; phía Nam giáp huyện U Minh Thượng, phía Tây Nam giáp huyện An Minh; diện tích hơn 400km2; dân số khoảng 130.000 người, trong đó hộ gia đình chính sách và NCT chiếm hơn 10%; huyện có 8 xã và một thị trấn; mức tăng trưởng GDP bình quân trên 11%/năm, tổng sản lượng lương thực quân bình của huyện mỗi vụ ước tính trên 68.000 tấn. Đời sống vật chất, tinh thần của NCT được quan tâm.

Khu nuôi sò huyết ở xã Tây Yên, huyện An Biên

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện An Biên, các ban ngành, đoàn thể đã phối hợp với chính quyền vận động Nhân dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả như: mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản. Bên cạnh những cánh đồng mẫu lớn, lúa thu hoạch trung bình 4,5 tấn/ha, trong đó có nhiều mô hình nuôi cá thâm canh được đầu tư hiện đại đem lại hiệu quả cao, ổn định. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm và sò huyết phát triển khá mạnh. Đến nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh về đây đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy hải sản và du lịch.

Để đánh thức, khơi dậy tiềm năng vùng biển hoang sơ, huyện đã quy hoạch vùng Sáu Biển của xã Tây Yên thành khu nuôi sò. Đây cũng là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh và được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện; giải quyết việc làm tại địa phương cho hơn 2.000 lao động.

Ông Trần Oai, Trưởng Phòng Văn hóa huyện cho biết: Thời điểm đó, khu vực Sáu Biển còn hoang sơ với những bãi cát và cây bần, cây mắm mọc um tùm, gần như không có người. Nhận thấy tiềm năng nuôi trồng thủy hải sản từ khu vực này, huyện đã tổ chức nhiều hội thảo và thống nhất tạo điều kiện, khuyến khích người dân vào khu vực này nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản cải thiện đời sống.  

Cũng theo ông Oai, hơn 876 ha biển ở Sáu Biển được nuôi sò, thu hoạch hơn 15.000 tấn/năm. Trước đây khi chưa có cầu Tắc Cậu, hải sản của bà con đều bán cho đầu nậu, lái buôn hoặc phải chuyển bằng tàu đi nơi khác tiêu thụ, thường gặp rủi ro. Hiện nay, giao thông phát triển, bà con mạnh dạn đầu tư xe tải, vận chuyển hải sản đi nhiều nơi, bảo đảm tươi sống; nhiều hộ mở dịch vụ nhà nghỉ, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phục vụ du khách; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tập trung vào sản xuất các loại rau màu kết hợp với khai thác và sản xuất các sản phẩm truyền thống như: Chuối, khoai, mía, rau sạch... thu nhập bình quân của các hộ mỗi năm từ 50 - 100 triệu đồng, hơn hẳn làm nông nghiệp như trước đây; tỷ lệ hộ nghèo giảm (theo tiêu chí mới là 19,36%).

Trong những năm qua, huyện đã huy động hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa, doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư hàng nghìn km2 đường giao thông liên xã, liên ấp và thủy lợi nội đồng, đáp ứng tiêu chí giao thông nông thôn trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện có 39 trường xanh- sạch - đẹp và an toàn, trong đó có 12 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% trẻ em đúng 6 tuổi được đến trường. Chương trình tiêm ngừa phòng 7 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm được các ngành chức năng tuyên truyền và giám sát thường xuyên. Huyện đã xây dựng mới 3 Trung tâm văn  hóa ở  xã Tây Yên A, Đông Yên và Nam Thái.

Phát huy truyền thống, đạo lý “Kính lão, trọng thọ”, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo Hội NCT thực hiện tốt việc quan tâm, chăm lo về mọi mặt cho NCT nhằm phát huy vai trò của NCT trong xã hội; duy trì hiệu quả các hình thức câu lạc bộ để hội viên được tham gia vui chơi, giải trí, luyện tập các bộ môn thể dục, các hoạt động văn hóa, văn nghệ... tổ chức tốt việc khám sức khỏe cho NCT. 100% NCT từ đủ 80 tuổi trở lên được hưởng chính sách của Nhà nước, chữa bệnh thông qua việc được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tổ chức mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo và NCT trong trọng, chu đáo. Thực hiện Chương trình “Mắt sáng cho NCT” huyện phối hợp với Bệnh viện tỉnh triển khai khám, chữa các bệnh về mắt cho NCT với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng…

 

Phong trào đờn ca ở huyện An Biên

    

Hưởng ứng “Tháng hành động vì NCT tuổi Việt Nam” hàng năm, huyện phát động cuộc vận động “Phụng dưỡng và phát huy vai trò NCT” với mục đích giúp đỡ NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, NCT nghèo, tàn tật, cô đơn có thu nhập thấp, cuộc vận động đã thu được những kết quả đáng khích lệ.   Bà Lê Thị Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên cho biết: Huyện đã có 4 xã đạt từ 10 đến 19 tiêu chí và tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình  sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao; tạo mọi điều kiện để người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, do đó cơ sơ hạ tầng vùng nuôi thủy hải sản tiếp tục được đầu tư, có bước phát triển.

Phấn đấu đến năm 2020, huyện An Biên trở thành huyện nông thôn mới; trong đó, kinh tế biển vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn được ưu tiên phát triển, gắn với phát triển cánh đồng mẫu lớn, nuôi tôm đa canh. Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của từng xã và sự liên kết trong vùng nhằm phát triển nhanh, bền vững với các lĩnh vực mũi nhọn và đột phá đó là khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình chuyển tiếp, giao thông nông thôn, thủy lợi. Tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới./.