Người cao tuổi trên thế giới: Các đặc trưng nhân khẩu học

                                                                                                            NGHIÊM THỊ THỦY*

Vào năm 2009 số người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 737 triệu người. Số người này được gọi là người cao tuổi. Hiện nay, khoảng 2/3 số người cao tuổi đang sống tại các nước đang phát triển. Tính đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ là 2 tỷ người.

Ngày nay, hơn 1/2 số người cao tuổi sống tại các nước châu Á (54%) và 1/5 sống tại châu Âu (21%).

Dân số từ 60 tuổi trở lên và tỷ lệ trong tổng số dân trên thế giới

Tính đến năm 2009 cứ 9 người thì sẽ có 1 người từ 60 tuổi trở lên đang sống trên thế giới. Theo Dự báo của Liên hợp quốc, vào thời điểm 2050, cứ 5 người sẽ có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Và hiện nay, số người già chủ yếu đang sống tại các quốc gia phát triển. Số liệu tại các châu lục chỉ ra rằng, cứ 10 người sẽ có 1 người già hiện đang sống tại châu Á và sẽ không có sự khác biệt so với các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe, tuy nhiên sự khác biệt lại nằm ở châu Phi, nơi có số người cao tuổi thấp nhất trên thế giới, cứ 19 người thì chỉ có 1 người có tuổi trên 60. Tuy nhiên, theo dự báo thì số người bước vào tuổi già sẽ ngày càng nhiều tại các nước đang phát triển hơn thời điểm hiện tại.

Tuổi cao nhất

Hiện tại, người cao tuổi nhất được tính là những người từ 80 tuổi trở lên chiếm khoảng 14% trong tổng số những người từ 60 tuổi trở lên. Theo tính toán vào năm 2050, người từ 80 tuổi trở lên sẽ còn phát triển hơn nữa, và sẽ chiếm khoảng 20% trong tổng số người già vào thời điểm đó. Số người sống từ 100 tuổi trở lên sẽ tăng gấp 9 lần, từ 454.000 người năm 2009 lên đến 4,1 triệu người vào năm 2050.

Tuổi thọ trung bình

Thế giới đã có kinh nghiệm về sự thay đổi ấn tượng của tuổi thọ. Nhìn chung, tuổi thọ trung bình đã tăng được thêm 20 tuổi kể từ năm 1950. Năm 2009, tuổi thọ trung bình trên thế giới là 68 tuổi. Như vậy người già đang sống ở tuổi 60 thì có thể hy vọng sống thêm được 18 năm nữa đối với nam giới và 21 năm đối với nữ. Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình tính từ 60 tuổi trở lên còn phụ thuộc vào từng quốc gia trên thế giới. Ở những nước phát triển nam giới sẽ sống thêm được 15 năm, nữ giới sống thêm 17 năm. Ở những nước đang phát triển thì tuổi thọ trung bình của nam tăng thêm 20 năm và của nữ tăng thêm 24 năm.

Tỷ lệ giới tính

Tuổi thọ trung bình của nữ giới bao giờ cũng cao hơn của nam ở tất cả mọi độ tuổi, mặc dù cũng có một số ít nam giới cao tuổi hơn nữ. Theo tính toán, vào năm 2009 chỉ có 83 nam/100 nữ trong độ tuổi 60 hoặc hơn 60, nhưng đến tuổi 80 thì chỉ có 59 nam/100 nữ. Người cao tuổi sống ở những nước phát triển thấp hơn so với người cao tuổi sống ở những nước đang phát triển (74 nam/100 nữ) và (89 nam/100 nữ). Sự khác biệt này là do tuổi thọ trung bình tại các nước phát triển có sự khác nhau về giới tính.

Tỷ lệ người già hiện đã kết hôn

Tỷ lệ đàn ông hiện nay có gia đình cao hơn phụ nữ vì phụ nữ thường kết hôn trẻ hơn nam giới và sống trong tình trạng góa nhiều hơn. Nam giới sau khi vợ mất hoặc ly hôn thường có xu hướng tái hôn nhiều hơn. Hiện nay có khoảng 80% nam giới cao tuổi đang có vợ so với 48% phụ nữ cao tuổi. Sự khác nhau về giới tính của những người đã kết hôn ở những nước phát triển rất rõ ràng. Sự khác nhau về tuổi của những người hiện đang có vợ hoặc chồng cao hơn những người cao tuổi hiện nay không có vợ hoặc chồng.

Số người già sống độc thân

Mặc dù, hiện nay có nhiều người già đang sống độc thân trong một xã hội năng động và họ có thể tự lo được cho bản thân. Tuy nhiên, những người này sẽ dễ bị tổn thương hơn so với nhóm khác, ví dụ như khi họ ốm hoặc bệnh tật thì sự nguy hiểm lớn nhất là bị cô lập với xã hội và nghèo đói. Trên thế giới hiện nay có khoảng 14% người già đang sống một mình, trong khi đó người già là nam giới chỉ chiếm 9% so với nữ là 19%, bởi phụ nữ thường sống một mình sau khi chồng chết hoặc ly dị. Tuy nhiên, đối với những người chưa từng có vợ hoặc chồng thì nam giới vẫn thích sống một mình hơn là nữ. Theo tính toán của Liên hợp quốc người già ở những nước đang phát triển sống một mình ít hơn so với người già ở các nước phát triển (8% và 24%) .

Tỷ lệ hỗ trợ cho người cao tuổi

Tỷ lệ hỗ trợ cho người cao tuổi là số người trong độ tuổi lao động 15-64 tuổi sẽ hỗ trợ cho người già từ 65 trở lên. Đây chính là chỉ số lão hóa trong nhân khẩu học và mức độ phụ thuộc của người cao tuổi với nhóm người trong tuổi lao động. Năm 1950, khoảng 12 người trong nhóm tuổi lao động (15-64 tuổi) sẽ hỗ trợ cho 1 người có tuổi từ 65 trở lên, và còn 9 người vào năm 2009 và 4 người vào năm 2050. Tỷ lệ người cao tuổi cần được hỗ trợ rất quan trọng đối với khả năng thanh toán của các hệ thống an sinh xã hội (trợ cấp xã hội, lương hưu và hệ thống y tế công cộng), một điều rõ ràng nhất là sự chuyển đổi cơ cấu từ nhóm dân số đang làm việc sang nhóm người cao tuổi.

Quy định tuổi nghỉ hưu

Thông thường ở những nước phát triển, đàn ông thường nghỉ hưu khi mà họ bước vào 65 tuổi hoặc trên 65 tuổi và phụ thuộc vào từng ngành nghề, trong khi đó phụ nữ thường nghỉ hưu dưới tuổi 65. Đối với những nước đang phát triển quy định tuổi nghỉ hưu giao động trong độ tuổi từ 55 đến 60 cho cả nam và nữ. Ở các nước đang phát triển, tuổi về hưu thường thấp hơn so với các nước phát triển, điều này phản ánh hệ thống an ninh xã hội mới hình thành và còn chưa đáp ứng cuộc sống của người cao tuổi.

Số người già hiện đang tham gia lực lượng lao động

Ở nhiều nước có thu nhập cao thì tỷ lệ người già tham gia vào thị trường lao động thấp hơn so với các nước thu nhập thấp. Ở những nước phát triển chỉ có 24% nam giới trên 60 tuổi đang hoạt động kinh tế so với 47% ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, số nữ giới trên 60 tuổi đang hoạt động kinh tế ở các nước phát triển là 14% so với các nước đang phát triển là 24%. Những người già ở các nước đang phát triển vẫn phải làm việc nhiều hơn so với người già ở các nước phát triển do được hệ thống an ninh xã hội quan tâm hoặc nếu có thì tỷ lệ người cao tuổi nhận được phúc lợi rất thấp, không đủ đáp ứng cho bản thân họ.

 


* Viện Nghiên cứu châu Mỹ – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

(Nguồn: Tổng cục dân số)